Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất.
Khi đó, thuế các sản phẩm nông nghiệp, như: thịt heo, gà, bò, trái cây giảm về 0%, hàng trong khối sẽ tràn vào Việt Nam với giá cạnh tranh.
Chăn nuôi mất dần lợi thế
Tuy là tỉnh có ngành chăn nuôi (heo, gà) theo hình thức trang trại tập trung lớn nhất cả nước (tỷ lệ hơn 70%) và tính chuyên nghiệp cao, song giá thành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn cao hơn các nước trong AEC khoảng 10%. Nguyên nhân do vật tư đầu vào, gồm: con giống, thức ăn, thuốc thú y... phần lớn phải nhập khẩu nên chi phí đầu tư cho sản xuất khá cao. Theo tính toán của các trang trại, giá thành sản xuất heo hơi từ 41-42 ngàn đồng/kg, gà trắng khoảng 28 ngàn đồng/kg, gà lông màu 38-40 ngàn đồng/kg. Đó là chăn nuôi trang trại tập trung lớn, còn chăn nuôi nhỏ lẻ giá thành còn cao hơn. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đồng Nai vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, như: sử dụng thuốc kháng sinh, chất hỗ trợ còn tràn lan chưa được quản lý chặt.
|
Trái sầu riêng sẽ bị cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan. Trong ảnh: Sầu riêng trồng ở huyện Xuân Lộc. |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Tham gia hội nhập sâu, ngành chăn nuôi chịu tác động lớn nhất vì hiện nay giá thành chăn nuôi của Đồng Nai cao hơn so với nhiều nước vì không chủ động được giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện nay, chăn nuôi trong nước chỉ còn lợi thế là người tiêu dùng Việt Nam không thích sử dụng thịt lạnh. Nhưng nếu chăn nuôi không áp dụng khoa học đẩy cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành thì khi mất lợi thế trên, ngành chăn nuôi rất khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu từ Hoa Kỳ, các nước trong khối AEC”. Hiện giá thành gà trắng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực ASEAN khoảng 4 ngàn đồng/kg, gà lông màu khoảng 500 đồng/kg, thịt heo trên 4 ngàn đồng/kg. Như vậy, thịt heo, gà trắng trong thời gian tới sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường trong nước. Còn gà lông màu giá thành chênh lệch không nhiều nên vẫn còn lợi thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Dục, chủ trang trại heo lớn ở xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Tôi nghe AEC chính thức thành lập vào cuối năm, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ký kết, ngành chăn nuôi trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì giá thành chăn nuôi khu vực ASEAN rẻ. Để vẫn giữ được nghề, tôi đã áp dụng các quy trình hạ giá thành, như: tận dụng nguồn phế thải trong chăn nuôi chạy máy phát điện, tự trộn thức ăn, nhờ vậy giá thành giảm 2-3 ngàn đồng/kg heo hơi”. Theo ông Dục, về lâu dài Chính phủ cần có chính sách để chủ động giống, thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành thì người chăn nuôi mới đủ sức cạnh tranh.
Trồng trọt: được và mất
Những cây trồng ở Đồng Nai ít bị cạnh tranh và vẫn có lợi thế khi AEC chính thức có hiệu lực là: tiêu, cà phê, cao su, điều. Ông Nguyễn Cao Nhơn, Giám đốc Phòng Kinh doanh Tổng công ty Tín Nghĩa, cho hay: “Cà phê nhân của Đồng Nai đã xuất khẩu sang được hàng chục nước trên thế giới và đầu ra tương đối thuận lợi, nên khi AEC chính thức có hiệu lực cà phê ít chịu ảnh hưởng”. Cà phê của Đồng Nai chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường: Đức, Hoa Kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Philippines và một phần nhỏ dùng vào chế biến các loại cà phê hòa tan, cà phê bột, nước giải khát. Sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh hàng năm trên 200 ngàn tấn, các doanh nghiệp phải mua cà phê từ Tây Nguyên để xuất khẩu.
|
Chăn nuôi chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất khi AEC chính thức thành lập. Trong ảnh: Một trang trại gà ở huyện Trảng Bom. |
Với hạt tiêu, so về năng suất, giá thành của Đồng Nai hơn hẳn các nước trong khu vực và hạt tiêu đã xuất sang hơn 90 quốc gia, nên thời gian tới giá vẫn ổn định ở mức cao. Hạt điều sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho chế biến xuất khẩu nên hàng năm các doanh nghiệp tại Đồng Nai phải nhập khẩu một lượng lớn nhân hạt điều từ châu Phi, Philippines mới đủ nguyên liệu sản xuất, nên thuế giảm sẽ giúp doanh nghiệp hạ giá thành khi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước AEC.
Theo Sở Công thương, hiện nay giá thành trong chăn nuôi heo, gà trắng, chôm chôm, xoài, sầu riêng của Việt Nam cao hơn các nước trong khối ASEAN, như: Thái Lan, Indonesia, Philippines. Thuế nhóm hàng nông sản đã giảm dần từ năm 2010 đến nay chỉ còn 3-5%. Song tới đây thuế về 0%, những mặt hàng trên của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất. Để giữ được thị trường nội địa và xuất khẩu vào ASEAN, người chăn nuôi, trồng trọt Đồng Nai phải áp dụng khoa học tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm xuống thấp hơn những nước trong khu vực. |
Tuy nhiên, với một số trái cây chủ lực của Đồng Nai, như: xoài, chôm chôm, sầu riêng... lại chịu cạnh tranh gay gắt với Thái Lan. Hiện những trái cây này Thái Lan đang hơn hẳn Việt Nam về số lượng, chất lượng, lại đồng đều và giá bán thấp hơn, nên ngoài cạnh tranh xuất khẩu thì Việt Nam khó giữ được nội địa trong tương lai khi thuế về 0%.
“Hiện tỉnh đang xúc tiến thương mại với nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, các Tiểu vương quốc Ả Rập, Hoa Kỳ nhằm đưa trái xoài, chôm chôm, sầu riêng vào thị trường trên, giảm áp lực cạnh tranh với hàng các nước trong khối khi AEC chính thức thành lập” - ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết. Thực tế, trái sầu riêng mang thương hiệu Dona của Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Donatechno (TX.Long Khánh) đã được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận và đặt hàng với số lượng lớn nhưng không đủ hàng để cung ứng vì phía đối tác đòi hỏi trái cây phải có chất lượng cao, số lượng lớn và mẫu mã phải đồng đều và đẹp. Còn xoài tươi, phía Nhật Bản đã đồng ý nhập khẩu của Việt Nam, song mới chỉ nhập xoài Cát Chu.
Theo Báo Đồng Nai