Người nông dân thiệt hại


Theo ghi nhận tại địa bàn tỉnh Hậu Giang thì thời điểm này, trên địa bàn tỉnh bà con nông dân chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018 nhưng ở các vùng nông thôn đã xảy ra việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp và lái buôn thu mua lúa trong việc đặt cọc tiền thu mua lúa cho nông dân. Hình thức hoạt động của các lái buôn hay còn gọi là “cò lúa” này là khi nông dân còn khoảng nửa tháng nữa sẽ bắt đầu thu hoạch thì các “cò” này liền đến thương thảo về giá thu mua, ấn định ngày thu hoạch và đặt tiền cọc trước với nông dân, thường là 300.000 đồng/công (mỗi công là 1.000m2). Tất cả những thỏa thuận này đều bằng miệng chứ không có hợp đồng nào cả. Trường hợp cả cánh đồng nếu có nhiều người đồng ý bán cho “cò lúa” với giá lúa nhất định thì những hộ khác dù không muốn cũng phải bán theo. Bởi không bán thì không có máy cắt đến thu hoạch và không có thương lái khác đến mua.

 

leftcenterrightdel
 Bà con nông dân cần thận trọng khi nhận tiền đặt cọc của các “cò lúa”


Năm nay, mặc dù nông dân còn chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018 nhưng do nắm bắt về dự báo tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 có nhiều khả quan, nhất là các giống lúa phẩm chất gạo tốt như: asmine 85, RVT, OM 5451, OM 4900… nên những ngày gần đây, tại nhiều cánh đồng, “cò lúa” đã ráo riết đến gặp nông dân để đặt tiền cọc trước và đưa ra mức giá sàn (tùy theo loại giống).

Đang tất bật chuẩn bị để gieo hạt cho vụ lúa mùa sắp tới, ông Trương Văn Bảy (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, vụ này gia đình ông có khoảng gần 1ha lúa giống OM 55451. Tuy chưa gieo xạ nhưng hiện đã có rất nhiều người đến đặt cọc để mua lúa vụ thu hoạch sắp tới. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, mặc dù gia đình ông cũng nắm bắt được tình hình giá lúa gạo trong thời gian sắp tới nhưng do cần tiền để chi tiêu và mua giống, phân bón và các chi phí khác nên gia đình ông và nhiều người trong làng cũng đã đồng ý nhận tiền đặt cọc.

Điều đáng nói hơn là tình trạng này diễn ra ngay cả những vùng mà trước đó đã có công ty, doanh nghiệp tiến hành ký kết bao tiêu với nông dân và có những chính sách đầu tư. Theo nhiều nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lý do mà họ không ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp lớn và hợp tác xã (HTX) là do “cò lúa” sẵn sàng đặt cọc cao và sớm hơn rất nhiều. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lương thực Thực phẩm Miền Tây, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên bị “cò lúa” hớt tay trên trong việc thu mua lúa trong dân. Tình trạng này không riêng tại Hậu Giang mà cũng xảy ra ở nhiều tỉnh khác. Dù bị nông dân “bẻ kèo” nhưng doanh nghiệp không thể nào kiện bà con, khi đến ngày thu hoạch mà nông dân lỡ bán cho “cò” rồi thì chỉ biết cười trừ mà thôi. Mong sao bà con cần giữ chữ tín để mối liên kết được bền chặt”.

Chính quyền lúng túng?

Ông Trương Thành Huy, Giám đốc HTX Bắc Xà No, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: “Vụ Đông xuân sắp tới, HTX tiếp tục được Công ty Lương thực Sông Hậu hợp đồng bao tiêu lúa và phía công ty sẽ đặt tiền cọc trước cho nông dân là 300.000 đồng/công. Thế nhưng, mấy ngày nay, có thông tin là “cò lúa” đến thương thảo với nông dân trong HTX và đặt tiền cọc cho bà con là 500.000 đồng/công nên đã có hộ chấp nhận”.

Nhưng một vấn đề nghiêm trọng hiện nay là “cò lúa” đang thao túng thị trường thu mua lúa bằng việc liên kết với các máy gặt đập liên hợp, tất cả các công việc này đều được thương thảo bằng miệng. “Cò lúa”, thương lái và máy gặt đập là cùng một phía, họ ép người dân phải bán lúa với mức giá “may rủi”. Sau khi bỏ cọc tiền lúa, họ tự liên hệ với thương lái và máy gặt đập để định ngày thu hoạch. Dù giá lúa tăng nhưng họ vẫn thu mua với mức giá đã định trước, còn nếu giá lúa giảm thì họ sẵn sàng “bỏ cọc” vì chẳng đáng bao nhiêu. Nếu nông dân phản ứng thì những vụ sau, họ không mua nữa.

Với số lượng nhỏ, lẻ thì nông dân rất khó tìm được thương lái cũng như máy gặt đập. Ngoài ra, nếu giá lúa sụt giảm thì họ để cho hạt lúa chín quá mức và khi thu hoạch lúa bị rụng, hoặc sập làm giảm sản lượng.

Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng hiện chính quyền vẫn tỏ ra lúng túng và chưa có giải pháp khắc phục. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước tình trạng “cò lúa” đang nôn nóng đặt tiền cọc mua lúa ngay cả khi chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 như hiện nay. 

Bởi theo ông Đồng, với những dự báo của doanh nghiệp thì tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 sẽ tương đối thuận lợi, đây là điều đáng mừng cho nông dân trồng lúa. Thế nhưng, bà con không vội nhận tiền cọc trong lúc này vì khi thị trường xuất khẩu tốt thì giá lúa sẽ kéo theo, lúc đó bà con nào đã nhận tiền sớm sẽ bị thiệt thòi rất nhiều.

Cũng theo ông Đồng, trong cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích các thành phần kinh tế đến đầu tư và hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân. Nếu tổ chức chưa đủ lớn (nông dân hay gọi là cò lúa) thì vẫn có thể đầu tư và bao tiêu ở quy mô nhỏ. Nhưng điều kiện bắt buộc là có hợp đồng bao tiêu với nông dân và phải được UBND cấp xã xác nhận mới có hiệu lực. Trường hợp không có UBND xã xác nhận thì được xem là gian thương và tới đây, ngành thanh tra của Sở sẽ phối hợp với các ngành có liên quan kiên quyết xử lý mạnh tay các trường hợp gian thương trong thu mua lúa, nhất là tại các vùng đã có doanh nghiệp đến đầu tư và hợp đồng bao tiêu lúa trước đó với nông dân…

Hòa Bình