Trước đây, hàng nông sản chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thì những năm gần đây, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp tăng trưởng tốt.

 


Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan cũng tham gia xuất khẩu trực tiếp với kim ngạch tương đối lớn. Lãnh đạo công ty cho biết: 8 tháng đầu năm đạt 9.442 tấn sợi các loại, doanh thu đạt 458 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 12.536.000 USD, nộp ngân sách 11 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh và cũng là đơn vị chủ lực của Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex). Trong chiến lược sản xuất của doanh nghiệp hiện nay, sản xuất sợi là chủ yếu; thị trường nội địa chiếm 40%, xuất khẩu 60%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Ai Cập, Thổ Nhĩ kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và gần đây đang xúc tiến sang thị trường Mỹ và Canada. Có thể thấy, bên cạnh các nhà máy hiện hữu lâu năm, nhiều dự án dệt may được thu hút đầu tư trong thời gian qua hiện đang phát huy tốt hiệu quả.
 
Các nhà máy dệt may như: Nam Sung - Vina Diễn Châu, Prex Vinh, Havina Kim Liên, Minh Anh, Cụm công nghiệp kéo sợi và dệt may Nam Đàn,… đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 9 tháng đầu năm, riêng dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 55 triệu USD. Các dự án nhà máy may đã đưa Nghệ An bước đầu trở thành trung tâm dệt may của vùng, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Hay đối với thiết bị điện tử, 9 tháng đạt kim ngạch 23,538 triệu USD. Nhà máy điện tử BSE Việt Nam có địa chỉ tại Khu C, KCN Nam Cấm, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, thuộc Tập đoàn BSE Hàn Quốc, chuyên sản xuất loa, míc…; là đối tác cung cấp linh kiện điện tử cho các hãng điện thoại nổi tiếng như: Nokia, Samsung Electronics, LG Electronics, Sony, Erricson, Motorolla. Hoạt động thời gian chưa lâu nhưng riêng doanh nghiệp này đã đạt kim ngạch 18,523 triệu USD.
 
Số liệu tổng hợp từ Sở Công thương cho thấy, 9 tháng năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An đạt 486,7 triệu USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ, bằng 93,6% so với kế hoạch năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 283,8 triệu USD, tăng 9,55% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: dệt may, hạt tiêu, rau quả, đồ chơi trẻ em, sản phẩm gỗ... Kết quả trên đây đã thể hiện nỗ lực thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại của các địa phương, sở ngành với nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường cơ hội kinh doanh đã có hiệu quả và mở ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mới.
 
Theo Sở KH&ĐT, sau chuyến làm việc của đoàn công tác tỉnh Nghệ An do đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, tham gia xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản vào cuối tháng 8/2014, Công ty NT Vegetable - Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác trực tiếp sang Việt Nam và đã tiến hành khảo sát về sản phẩm gừng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Đây là một trong những cơ hội quan trọng để củ gừng Nghệ An có thể phát huy giá trị kinh tế. Trở về sau chuyến công tác, ông Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển tỉnh cho biết: Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao” với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đoàn công tác của Nghệ An cung cấp nhiều thông tin; trao đổi trực tiếp với 4 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các lĩnh vực: Sản xuất rau, hoa chất lượng cao; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gừng và sản xuất các sản phẩm từ tre, nứa, mét.
 
Cần đầu tư chế biến sâu
 
Tuy vậy, nhiều mặt hàng Nghệ An có tiềm năng lợi thế nhưng chưa phát huy hiệu quả, thậm chí kim ngạch xuất khẩu sụt giảm như: dăm gỗ, tinh bột sắn… Nếu như trước đây, khách hàng thường ký kết hợp đồng dài hạn tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp, thì thời gian gần đây phía khách hàng, nhất là Trung Quốc chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn, giá mua lại không ổn định. Do đó, nhiều doanh nghiệp làm hàng dăm gỗ, tinh bột sắn... ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu. Năm 2013 mặt hàng dăm gỗ dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu với con số hơn 105 triệu USD và kế tiếp tiếp là mặt hàng sắn, tinh bột sắn là hơn 54,2 triệu USD. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2014, sản phẩm dăm gỗ chế biến đạt 485.000 tấn (trong khi đó 9 tháng 2013 là 644,000 tấn) và giá trị xuất khẩu chỉ đạt khoảng 43,5 triệu USD. Sản phẩm tinh bột sắn cũng giảm, 9 tháng đầu năm 2014 đạt 34 triệu USD. Vì thế, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp tạo sự ổn định, thì 2 sản phẩm xuất khẩu được đánh giá luôn ở trong tốp đầu xuất khẩu nhiều năm của tỉnh sẽ khó đạt được kế hoạch năm 2014.
 
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mục tiêu đặt ra đối với xuất khẩu đạt từ 500 - 550 triệu USD; kế hoạch năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD. Đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An đạt 486,7 triệu USD. Như vậy, mục tiêu đại hội cũng như kế hoạch năm là hoàn toàn có khả năng đạt và vượt. Tuy nhiên, qua phân tích số liệu thống kê các ngành hàng xuất khẩu có thể thấy, những mặt hàng có hàm lượng chế biến sâu, đầu ra đa dạng thì có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương đối ổn định; còn những ngành hàng có hàm lượng chế biến thấp, chủ yếu ở dạng thô dẫn đến đầu ra không đa dạng, chỉ gói gọn trong những thị trường dễ tính, thì kim ngạch xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm so với cùng kỳ.
 
Vì vậy, để kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng nói riêng, tổng kim ngạch của tỉnh nói chung tăng trưởng ổn định và có tính bền vững, theo ông Võ Minh Tuấn - Phó phòng Quản lý XNK, Sở Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng xuất khẩu gắn với sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh... “Hiện đang là thời điểm nước rút thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2011 - 2015. Do đó, chúng tôi đang tập trung tham mưu các giải pháp về xuất khẩu sản phẩm, khai thác tốt khoáng sản, các mặt hàng chủ lực khác, trước mắt rà soát quy hoạch để đầu tư chiều sâu hiện tại các cơ sở chế biến... Năm 2015, quyết định ngừng xuất khẩu thô khoáng sản nhằm tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn tình trạng xuất lậu, bán rẻ tài nguyên của Bộ Công thương chính thức có hiệu lực. Do đó, đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực khoáng sản càng phải được đặt ra”, ông Tuấn cho biết.

 

Theo Báo Nghệ An

.