Ngân hàng bị tố mời vay nhưng chậm giải ngân
Theo hồ sơ, Công ty TNHH Quan Minh là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn (Quảng Ninh). Để thực hiện dự án, năm 2018, Công ty Quan Minh đã ký hợp đồng trung - dài hạn vay của Ngân hàng TMCP Maritime Bank (MSB) số tiền 450 tỉ đồng.
Ngày 17/5/2019, Ngân hàng MB Bank có thông báo tín dụng cam kết cho Công ty Quan Minh vay 650 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng Dự án Khu dân cư đô thị Ocean Park tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Do nhu cầu về nguồn vốn để đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, kế hoạch, trước đề nghị hấp dẫn, Công ty Quan Minh đã thanh lý hợp đồng với Ngân hàng MSB để chuyển sang ký hợp đồng tài trợ tín dụng với MB Bank. Ngày 7/6/2019, hai bên đã ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, để có vốn lưu động, trong quá trình thực hiện hợp đồng trung - dài hạn, Công ty Quan Minh tiếp tục vay vốn ngắn hạn của MB Bank với 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng có hạn mức 20 tỉ đồng vào tháng 12/2019.
Tuy nhiên, sau khi hợp đồng tín dụng được ký kết (gói vay 650 tỉ đồng), MB Bank chỉ chuyển 466.772.270.800 đồng sang cho MSB để Công ty Quan Minh thanh lý hợp đồng vay nợ với MSB. Còn số tiền giải ngân đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho Công ty Quan Minh thì sau nhiều lần đề nghị, MB Bank mới chỉ giải ngân cho Công ty Quan Minh 40 tỉ đồng. Nhưng ngay sau khi giải ngân, MB Bank đã thu nợ 30 tỉ đồng ngay trên tài khoản của Công ty Quan Minh mở tại ngân hàng này, số tiền giải ngân cho Công ty Quan Minh thực sự chỉ có 10 tỉ đồng. Tổng số tiền MB Bank đã giải ngân cho Công ty Quan Minh đến ngày 6/12/2019 là 506,7 tỉ đồng. Từ thời điểm đó tới nay, MB Bank không thực hiện giải ngân số tiền còn lại theo cam kết để Công ty Quan Minh hoàn thiện hạ tầng của dự án.
|
|
Dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn nằm ở vị trí đắc địa ở huyện Vân Đồn; Thông báo thụ lý vụ án của TAND quận Cầu Giấy (ảnh nhỏ). |
Bị chuyển vào nhóm nợ xấu
Cũng sau khi ký hợp đồng tín dụng với MB Bank, Công ty Quan Minh thực hiện ký Hợp đồng phân phối độc quyền bất động sản với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát), để Hải Phát tìm khách hàng góp vốn các thửa đất của dự án.
Theo đó, ngày 23/12/2020, MB Bank có Văn bản số 8352/CV-HS đồng ý chủ trương giải chấp tài sản bảo đảm là đất ở tại dự án với giá trị giải chấp 14 triệu/m2, trong đó, MB Bank thu nợ 10 triệu/m2 và để lại 4 triệu/m2 để Công ty thi công hạ tầng, toàn bộ nguồn thu phát sinh từ dự án chuyển về tài khoản của Công ty Quan Minh mở tại MB Bank.
Tuy nhiên, tổng số tiền cọc đã thu từ khách hàng và chuyển về tài khoản của Công ty Quan Minh tại MB Bank, Ngân hàng này tiến hành thu nợ gốc nhưng không giải ngân số tiền 4 triệu/m2 thi công hạ tầng như thỏa thuận trong Văn bản số 8352/CV-HS.
Qua tài khoản của Công ty Quan Minh tại MB Bank, đến tháng 2/2021, MB Bank đã thu toàn bộ lãi chưa đến hạn và gốc trước hạn của Công ty Quan Minh số tiền 222 tỉ đồng, dư nợ còn lại là hơn 254 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31/3/2021, Công ty Quan Minh không còn bất kỳ khoản nợ gốc, lãi quá hạn nào tại MB Bank. Tuy nhiên, MB Bank lại bất ngờ chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty Quan Minh từ nhóm nợ 1 sang nhóm 4 (nhóm nợ xấu nghi ngờ mất vốn).
Lãnh đạo Công ty Quan Minh cho rằng: “Công ty Quan Minh đã thanh toán vượt gấp nhiều lần số nợ phải thanh toán. Vậy mà MB Bank vẫn cố tình xếp công ty chúng tôi vào nhóm nợ xấu. Hành vi của MB Bank gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Quan Minh, khiến chúng tôi không thể huy động vốn từ các tổ chức tín dụng khác để thực hiện dự án”.
Theo ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Quan Minh: “Trên thực tế, tổng tài sản thuộc quyền sử dụng, khai thác của Công ty Quan Minh đã thế chấp cho MB Bank là rất lớn. Riêng giá trị 443 thửa đất với diện tích 5,6 ha được chính ngân hàng này định giá bình quân là 19,89 triệu đồng/m2, giá trị tương ứng là 1.001 tỉ đồng, cao gấp đôi số tiền MB Bank đã giải ngân”.
Ông Hoàng Văn Cường cho biết: “Căn cứ vào các văn bản thỏa thuận giữa MB Bank và Công ty Quan Minh, lịch trả nợ gốc được hai bên thống nhất như sau: Năm 2019 là 30 tỉ đồng; năm 2020 là 2 tỉ đồng; năm 2021 là 2 tỉ đồng, năm 2022 là 80 tỉ đồng; năm 2023 là 120 tỉ đồng; năm 2024 là 160 tỉ đồng; năm 2025 thu hết nợ”.
Sau đó, Công ty Quan Minh đệ đơn khởi kiện ra TAND quận Cầu Giấy, yêu cầu buộc MB Bank thực hiện nội dung hợp đồng cho vay trung - dài hạn, giải ngân số tiền 143 tỉ đồng để tài trợ chi phí xây dựng hạ tầng dự án Ocean Park Vân Đồn; buộc MB Bank phải đưa công ty ra khỏi danh sách nợ xấu nhóm 4… Hiện TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tiếp nhận đơn khởi kiện của Công ty Quan Minh.
MB Bank nói gì?
Trước những nội dung Công ty Quan Minh phản ánh, để rộng đường dư luận, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã liên hệ với MB Bank để làm rõ một số thông tin. Theo đó, MB Bank cho rằng, việc ngân hàng dừng giải ngân và áp dụng biện pháp thu hồi nợ quá hạn phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký, phù hợp với quy định của pháp luật. Lý do: Công ty Quan Minh vi phạm cam kết chuyển doanh thu, không hoàn thiện pháp lý dự án, không đáp ứng được các mốc thời gian cam kết triển khai dự án, không thực hiện đúng cam kết về việc trả hết nợ quá hạn...
Về vấn đề này, Công ty Quan Minh giải thích rằng: Việc thực hiện cam kết trả nợ của Công ty Quan Minh gặp phải sự cố khách quan, bất khả kháng từ đầu năm 2020 với đại dịch COVID-19 và yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh quy hoạch 1/500 tất cả các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn để bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của Khu kinh tế Vân Đồn. Vì vậy, ngày 20/2/2020, Công ty Quan Minh có văn bản đề nghị MB Bank cơ cấu lại nguồn vốn và gia hạn thời hạn trả gốc.
Về việc MB Bank chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty Quan Minh từ nhóm nợ 1 sang nhóm 4 (nhóm nợ xấu nghi ngờ mất vốn), ngân hàng này cho rằng đã làm theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và điều khoản đã thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng. MB Bank không áp dụng cơ cấu nợ theo nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho khách hàng do khách hàng đề nghị thời gian cơ cấu nợ dài hơn so với quy định cơ cấu nợ theo nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của NHNN.
Và theo đề nghị cơ cấu nợ, Công ty Quan Minh gửi đề nghị MB bank cơ cấu nợ (lần 1 ngày 28/2/2020, lần 2 ngày 23/3/2020) với phương án được kéo dài thời gian trả nợ gốc, lãi 4 năm bắt đầu từ Quý I/2022 đến năm 2025 (theo hợp đồng tín dụng ban đầu thời gian trả nợ gốc kết thúc vào cuối năm 2021). MB Bank cho biết, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (áp dụng cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19): Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Cuối cùng, MB Bank cho rằng, khó khăn của khách hàng phát sinh trước thời điểm dịch bệnh COVID-19, do đó, MB đã không áp dụng cơ cấu nợ cho Công ty Quan Minh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về vụ việc trên, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP HCM nêu quan điểm: Trong các giao dịch hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng do phía ngân hàng soạn thảo đưa cho khách hàng ký mà không sửa đổi, bổ sung. Khi thực hiện hợp đồng tín dụng, có tình trạng ngân hàng vi phạm về việc giải ngân cho khách hàng do lỗi của mình (không đủ vốn huy động, mức chênh lệch lãi vay và lãi cho vay giảm) nên tìm cách tạo ra lỗi cho khách hàng, giải thích quy định hợp đồng tín dụng tiếp tục theo ý chí chủ quan của mình,… để ngân hàng không giải ngân cho khách hàng như quy định, đưa thêm điều kiện mới để ép khách hàng. Từ đó, khách hàng bị đưa vào tình thế không thể tiếp tục hoạt động bình thường, khó khăn không kém trước khi ngân hàng cho vay.
Do đó, việc khách hàng kiện ngân hàng về việc thực hiện hợp đồng tín dụng ra Tòa án sẽ giúp xác định rõ lỗi, hành vi vi phạm của các bên, cách xử lý không đúng quy định (nếu có).