Dự án, công trình trùng lặp

Tại Thông báo số 52/TB-UBND (ngày 21/10/2010) về dự án xây dựng tuyến du lịch Linh Cốc - Hải Nham thuộc khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, UBND tỉnh Ninh Bình đã “hợp thức” cho việc đội vốn này với nội dung: “Dự án xây dựng tuyến du lịch Linh Cốc - Hải Nham thuộc khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND (ngày 20/6/2003), cho phép Doanh nghiệp dịch vụ du lịch Bích Động (nay là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bích Động - gọi tắt là Công ty Bích Động) nạo vét sông đoạn từ Động Tiên đến hang Bụt. Năm 2004, UBND tỉnh đầu tư công trình nạo vét tuyến sông từ hang Chùa đến hang Bụt, tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham tại Quyết định số 1615/QĐ-UB ngày 12/7/2004 và phê duyệt dự án nạo vét tuyến giao thông thuỷ từ Bích Động đến hang Bụt tại Quyết định số 1680/QĐ-UBND (ngày 01/8/2005) thay thế Quyết định số 1615/QĐ-UBND, do 02 dự án có một số công trình bị trùng lặp”.

UBND tỉnh Ninh Bình còn lấy lý do: “Do tuyến đường thuỷ mới khai thông và trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Nhà đầu tư chưa lường hết được sự phức tạp của địa chất, thuỷ văn và dự án đã được chấp thuận chưa phù hợp với tình hình thực tế nên tiến độ thực hiện dự án chậm”.

leftcenterrightdel
Dự án khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đội vốn từ 2,9 tỷ đồng lên 117,865 tỷ đồng sau nhiều năm vẫn dở dang gây bức xúc dư luận. 

Đối với dự án “Nạo vét tuyến giao thông thuỷ Bích Động và Thạch Bích - Thung Nắng”, một số hạng mục công trình đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trùng lặp với hạng mục của dự án xây dựng tuyến du lịch Linh Cốc - Hải Nham thực hiện bằng nguồn vốn của Công ty Bích Động (đoạn tuyến đường thuỷ và hạng mục công trình ít ảnh hưởng đến dân sinh: “đồng ý chủ trương để Công ty Bích Động hoàn trả ngân sách phần vốn đã đầu tư”.

Như vậy, đối với hạng mục thuộc dự án của Công ty Bích Động, nhưng khi thực hiện công trình nạo vét tuyến giao thông thuỷ, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã thực hiện trùng với Công ty, sau khi bỏ tiền ngân sách Nhà nước ra thực hiện, nay UBND tỉnh đề nghị Công ty Bích Động hoàn trả. Điều đáng nói là các dự án của Công ty đều được phê duyệt trước, được rà soát kiểm tra trước đây ở các đề án xin giao đất, thuê đất, nghĩa là UBND tỉnh và Sở Du lịch Ninh Bình đã biết và thông qua, nhưng vẫn còn làm trùng, việc kê khai hạng mục vào dự án của Sở Du lịch đã được thông qua để rót vốn ngân sách sau khi nhận vốn thực hiện, giờ yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả, thì số tiền có vào ngân sách nhà nước hay không cần được kiểm tra làm rõ?

Doanh nghiệp xâm phạm cảnh quan di sản

Tại bản hợp đồng thuê đất giữa Công ty Bích Động với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình ký ngày 24/2/2004, Công ty Bích Động được thuê khu đất 409.216m2 tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham với giá thuê: 3.920 đồng/m2 và 1.960 đồng/m2, giá thuê 1 năm cho toàn bộ diện tích trên là 7.700.887 đồng/năm, thời gian thuê là 49 năm.

Trong khi đó, theo hợp đồng thuê đất ngày 7/8/2007, UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty Bích Động thuê khu đất rộng 352.900m2 tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư để xây dựng điểm du lịch Thung Nắng - Hoa Lư. Thời hạn thuê trong 49 năm với đơn giá áp dụng từng thời kỳ do Sở Tài chính quyết định, áp dụng trong 5 năm, giá đất là 53 đồng/m2/năm (theo Quyết định số 23/QĐ-STC ngày 28/01/2008). Thời điểm năm 2012, Sở Tài chính quyết định giá đất là 2.625 đồng/m2/năm (Theo Quyết định số 586/QĐ-STC ngày 29/12/2012).

Toàn bộ diện tích đất được thu hồi cho doanh nghiệp này thuê phần nhiều là diện tích đang canh tác lúa, đất thổ cư của các hộ dân, đất thủy lợi, núi đá có rừng và đất thuộc xã Ninh Hải.

Tiếp đó, ngày 27/11/2008, UBND tỉnh Ninh Bình lại ký quyết định giao cho Công ty Bích Động thuê 1.579m2 đất để xây dựng tôn tạo cảnh quan hồ Mỏ Phượng, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, nằm trong dự án đầu tư xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham trong thời hạn thuê 44 năm.

Theo quyết định về đơn giá thuê đất ký ngày 28/1/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty Bích Động thuê khu đất tại xã Ninh Hải huyện Hoa Lư là 53 đồng/m2/năm trong thời hạn 5 năm, hết thời hạn 5 năm điều chỉnh lại thời hạn thuê đất tiếp theo. Mức giá thuê đất này là vô cùng rẻ mạt, thời gian thuê dài, diện tích đất lớn, dự án kéo dài, dẫn đến các hạng mục thi công trì trệ. Hơn nữa, diện tích đất thu hồi thuộc đất núi đá, khu bảo tồn, cần được bảo vệ theo chính sách đặc biệt của Chính phủ, nhưng lại bị chính UBND tỉnh Ninh Bình cho doanh nghiệp thuê khiến cảnh quan tự nhiên bị xâm phạm, bị tàn phá.

Khu bảo tồn thiên nhiên là khu được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường. Các khu bảo tồn thiên nhiên này cho phép gìn giữ các quần thể của các loài cũng như các quá trình của hệ sinh thái không hoặc ít bị nhiễu loạn. Vườn quốc gia là những khu vực rộng lớn có vẻ đẹp thiên nhiên được gìn giữ để bảo vệ một hoặc vài hệ sinh thái trong đó, đồng thời được dùng cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, nghỉ ngơi giải trí và tham quan du lịch. Tài nguyên ở đây thường không được phép khai thác cho mục đích thương mại.

Có thể nói, để xảy ra những sự việc trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Ninh Bình và các sở ngành có liên quan, trong việc cho thuê đất, giao đất trái quy định, xâm phạm đến bảo tồn thiên nhiên, ảnh hưởng đến cảnh quan di sản. Doanh nghiệp đang trục lợi trên di sản, tàn phá cảnh quan đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

(còn nữa)
          Thu Hương