Thanh tra Chính phủ đã chuyển tài liệu tới Bộ Công an điều tra bốn vụ liên quan đến Út “trọc” và Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Góp vốn … ảo

Ngày 11/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (Công ty Thái Sơn Bộ Q.P).

Theo đó, tháng 8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng quyết định góp vốn hơn 10 tỷ đồng tại Công ty Thái Sơn, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, lúc này là Phó tổng giám đốc đại diện quản lý 21%... Các quyết định trên không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
 Đinh Ngọc Hệ đã dùng nhiều chiêu trò để tư lợi cá nhân

Năm 2013, Công ty Thái Sơn thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24 tỷ đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền 34 tỷ đồng đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Công ty Thái Sơn cũng tính giá trị quyền thu phí trạm Bảo Lộc đưa vào tổng vốn đầu tư không đúng giá trị hơn 284 tỷ đồng; lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán các gói thầu còn nhiều sai sót, vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Chuyển nhượng thầu trái quy định

Việc thực hiện các dự án đầu tư, Công ty Thái Sơn có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm... để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án như: Cầu Việt Trì mới, quốc lộ 20. Mặc dù vậy, đơn vị này vẫn được chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Tại dự án Cầu Việt trì, quốc lộ 20, Công ty Thái Sơn là nhà đầu tư dự án trong liên danh, nhưng sau đó lại chuyển nhượng thầu; nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định song vẫn được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận là vi phạm quy định.

leftcenterrightdel
Dự án BOT cầu Việt Trì, Phú Thọ

Ngoài ra, Công ty Thái Sơn thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp gói thầu số 23 thuộc dự án Quốc lộ 20. Sau đó, Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Cũng theo kết luận thanh tra, Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng không đủ năng lực nhưng vẫn tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp tại các dự án và được lựa chọn bằng hình thức chỉ định hoặc trúng thầu, sau đó, chuyển nhượng thầu không đúng quy định hầu hết khối lượng công việc cho các nhà thầu khác thi công để hưởng lợi; hoạch toán thiếu doanh thu 135 tỷ đồng, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước tạm tính là 31 tỷ đồng.

Giả mạo hồ sơ, hợp thức hóa 192 tỉ đồng

Về việc quản lý, sử dụng vốn tại Công ty Thái Sơn, kết luận thanh tra cho hay, đơn vị này có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không lưu trữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kế toán theo quy định, nhằm hợp pháp hoá thủ tục thu chi tiền mặt với giá trị trên 192 tỷ đồng...

Cùng với đó, Công ty đóng thiếu bảo hiểm cho người lao động với số tiền 205 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra của Bộ Công an để làm rõ nhiều nội dung, gồm: Giả mạo hồ sơ, tài liệu; thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án.

Trong đó, đoàn thanh tra nêu Công ty Thái Sơn có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku.

Cơ quan thanh tra cũng chuyển hồ sơ việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ về báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng; dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm.

1.Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.

2. Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu; dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku.

3. Việc kê khai, giả mạo hồ sơ, sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.

4. Dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm: Hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỉ đồng và không đóng bảo hiểm hơn 200 triệu đồng.


Hà Nhân