(BVPL) - Mặc dù không tham gia bất kỳ chương trình dự thưởng nào, thế nhưng chị H vẫn nhận được thông báo trúng thưởng từ một công ty với phần quà trị giá gần 20 triệu đồng. Muốn nhận hàng, người trúng thưởng phải… nộp phí.
Không tham gia dự thưởng vẫn… trúng thưởng
Ngày 3/9, chị Nguyễn Thị H. (45 tuổi, ngụ TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) phản ánh về việc chị vừa bị nhóm người tự xưng là nhân viên của công ty T.P.Đ., có địa chỉ tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) thông báo trúng thưởng phần quà giá trị gần 20 triệu đồng do công ty này và một Đài truyền hình lớn phối hợp tổ chức.
Theo trình bày của chị H., trước đó chị không hề tham gia bất kỳ chương trình dự thưởng nào của công ty và càng không biết thông tin gì về công ty nêu trên. Chị đã nhiều lần tra cứu trên mạng và phát hiện không tồn tại địa chỉ mà công ty T.P.Đ. tự giới thiệu. Thế nhưng, liên tiếp trong các ngày 17, 18 và 19/8, chị H. nhận hàng loạt cuộc gọi từ số máy 02839804xxx thông báo, chị là một trong những khách hàng may mắn trúng thưởng. Phần quà có giá trị hơn 15 triệu đồng gồm: 1 chiếc điện thoại SamSung Galaxy S7, 1 thẻ mua hàng ưu đãi trị giá 2 triệu đồng, cùng một số sản phẩm khác.
Chị H. thắc mắc về thủ tục, cũng như phương thức nhận quà, nữ nhân viên tên Ngân tiếp tục giải thích: “Việc nhận quà hết sức đơn giản. Chị là khách hàng đã được công ty “thẩm định” nên không cần phải lo lắng. Hiện, phần quà đang được đóng gói để vận chuyển. Trong một vài ngày tới, quà sẽ đến nơi. Khi đó, chị chỉ cần cầm giấy tờ tùy thân và khoản tiền “nhỏ” ra bưu điện tỉnh Vĩnh Long nộp phí vận chuyển là nhận được”.
Không để chị H. có cơ hội hỏi lại, nữ nhân viên tiếp tục giải thích, do phần quà giá trị lớn nên phải đánh thuế thu nhập cá nhân và phí đóng gói vận chuyển. Tổng cộng các khoản mà chị H. phải trả cho nhân viên bưu tá khi nhận hàng là 2.580.000 đồng. Nghĩ việc nhận thưởng thông qua bưu điện là hợp lý và khi nhận quà xong mới đóng phí, chị H. cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
Đúng hẹn, 2 ngày sau đó, nữ nhân viên tên Ngân gọi điện thoại cho chị H. thông báo, phần quà đã đến nơi. Người này yêu cầu chị H. mang theo tiền và chứng minh nhân dân đến Bưu điện tỉnh Vĩnh Long liên hệ ký nhận. Đến nơi, sau khi chị H. xuất trình giấy CMND, nhân viên bưu tá cầm gói quà đến trao cho chị và báo giá “thu hộ” là 2.580.000 đồng.
Phần quà được gói khá cẩn thận, xung quanh dùng keo dính màu vàng cố định. Ngoài ra, phần quà còn được cột chặt bằng sợi dây nilon và bấm chì. Trên phần quà có dán mã vạch, cùng tờ giấy màu trắng ghi rõ nội dung: “Đề nghị không được khui hàng, không được kiểm tra nội dung. Công ty T.P.Đ.; Địa chỉ quận Phú Nhuận, TP.HCM; Người gửi là T.Q.V.; Điện thoại: 02839804xxx, 02839804xxx; Sản phẩm gồm: 1 chiếc điện thoại SamSung Galaxy, 1 hộp tinh dầu giảm mỡ Body, 1 hộp kem BB Cream. Tổng cộng số tiền là 2.580.000 đồng.
Sau khi xem nội dung “không được khui hàng để kiểm tra”, chị H. tỏ ý thắc mắc. Lúc này, nhân viên bưu tá cho biết, căn cứ vào nội dung của người gửi nên nhân viên bưu tá và khách hàng không được phép khui hàng để xem trước. Khách hàng chỉ được phép khui hàng để xem nội dung bên trong khi giao đủ tiền. Nếu khui hàng xem nội dung mà các sản phẩm bên trong không đúng với phiếu ghi bên ngoài thì nhân viên bưu tá cũng không thể giải quyết được. Lúc này, chị H. liền bấm máy gọi theo số chăm sóc khách hàng của công ty in trên phiếu để tìm hiểu.
Ngay sau đó, một nữ nhân viên gọi đến chị H. và cho biết tên Ngân, nhân viên của công ty T.P.Đ., là người phụ trách trao “quà” cho chị H.. Sau lời giới thiệu, như để đánh phủ đầu khách hàng, nữ nhân viên này liền đọc huyên thuyên nội dung trên tờ giấy và yêu cầu chị H. xem đối chiếu có đúng không. Đáng chú ý, nữ nhân viên khẳng định trên phần quà có mã vạch mang ký hiệu EW74661731xxx, tem này là tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp. Vì vậy, khách hàng thật sự yên tâm khi nhận quà, không sợ hàng nhái, hàng giả. Dứt lời, Ngân liên tục hối thúc chị H. nên nộp nhanh số tiền 2.580.000 đồng cho nhân viên bưu tá rồi khui hàng hoặc mang về nhà sử dụng.
Do thường xuyên xem báo, đài nên chị H. luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và biết rõ chiêu lừa đảo này. Thế nên, chị H. nhanh trí yêu cầu được xem nội dung bên trong là gì rồi mới giao tiền. Hoặc nếu phía công ty có thiện chí thì nhận lại phần “quà” này, sau đó thay đổi nội dung là “được khui hàng để xem sản phẩm bên trong”, còn nếu không được xem sản phẩm thì dứt khoát không nhận “quà”, hoặc nhờ ngành chức năng đến lập biên bản chứng kiến. Nghe vậy, nữ nhân viên tên Ngân tỏ ra khó chịu rồi cúp ngang điện thoại.
Muôn kiểu lừa khách hàng
Cách đây không lâu, ông Trương Văn T (61 tuổi, ngụ xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cũng phản ánh tới báo về chiêu lừa đảo tương tự. Ông cho biết, vài ngày trước, ông liên tục tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ số máy lạ, giới thiệu là nữ tổng đài viên thông báo số điện thoại mà ông đang dùng may mắn trúng thưởng chiếc điện thoại trị giá 12 triệu đồng trong chương trình do Đài truyền hình tổ chức.
Thấy lạ, ông Tư thắc mắc thì được nữ tổng đài viên này cho hay, công ty sẽ tự gửi chiếc điện thoại vừa trúng thưởng đến ngay địa chỉ ở địa phương của ông. Tuy nhiên, khi nhận chiếc điện thoại “từ trên trời” này, ông Tư phải chuyển vào tài khoản cho công ty với số tiền là 2.860.000 đồng tiền “phí”.
“Do thường đọc báo, biết rõ trò lừa cũ rích này, tôi nhẹ nhàng đề nghị, nhờ đại diện công ty xuống trao quà tại trụ sở công an xã nơi tôi cư ngụ. Đồng thời, tôi sẽ chịu mọi chi phí đi lại của nhân viên công ty và chụp hình, làm biên bản rồi mới giao tiền. Sau đó, tôi sẽ phổ biến đến bà con trong vùng cùng mua, ủng hộ sản phẩm cho công ty thì họ liền cúp ngang điện thoại, lặn mất tăm”, ông Tư thông tin.
Ông Nguyễn Văn H (48 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng phản ánh việc vợ chồng ông vừa vượt cả trăm km từ Tiền Giang đến TP.HCM để “mua” sản phẩm ưu đãi do may mắn được công ty lựa chọn ngẫu nhiên. Ông nói: “Trước những lời nói có cánh, sản phẩm là chiếc điện thoại trị giá hơn chục triệu đồng, nhưng công ty chỉ “bán” ưu đãi với giá 2.980.000 đồng nên tôi không ngần ngại tìm đến để mua. Tuy nhiên, khi đến nơi thì đây chỉ là một văn phòng nhỏ ở quận 5 (TP.HCM) rộng chừng chục mét vuông, không có sản phẩm trưng bày, chỉ có 2 nữ nhân viên trạc ngoài 20 tuổi đang túc trực điện thoại”.
Ngay sau đó, một nữ nhân viên liền đi vào trong lấy ra một chiếc điện thoại (có tặng kèm chiếc đồng hồ, không rõ thương hiệu) giới thiệu là sản phẩm mới, giá bán hơn chục triệu đồng nhưng do may mắn nên khách hàng được giảm đến 70%. Nghi ngờ chất lượng sản phẩm, ngay lập tức người em đi cùng đã nhanh chóng vào mạng internet tra cứu thì được biết giá bán chiếc điện thoại này chỉ hơn 1 triệu đồng nên từ chối “nhận thưởng” rồi ra về. “Lúc đó, khi thấy em trai tôi tra cứu giá xem sản phẩm, mấy cô gái liền thay đổi sắc diện rồi quay mặt bỏ đi nhưng không quên nói rằng: “Hơi đâu mà xem trên mạng,…”, ông Hậu nhớ lại.
Phương Trâm