Cánh đồng liên kết được xem là phương thức đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Theo đó, nông dân chỉ cần sản xuất sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: vì sao mô hình với những điểm ưu việt như thế mà người nông dân chưa thật sự mặn mà?


Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước nhu cầu thực tế sản xuất gắn với tiêu thụ, ngay từ ngày đầu manh nha, Đồng Tháp nhanh chóng bắt nhịp và đi sâu vào khai thác hình thức này. Bước đầu, tỉnh thí điểm thực hiện chỉ vài héc ta, với sự ưu việt của mô hình, tỉnh chủ trương mở rộng diện tích.

Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng nhạy bén thực hiện nhiều phương thức liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay có trên 6 kiểu liên kết.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết của tỉnh là gần 70.000ha với trên 38.000 hộ tham gia, được triển khai ở 10 huyện, thị. Trong đó, có 22.300ha (sản lượng trên 156.600 tấn) được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đạt trên 32% diện tích thực hiện. Trong năm 2016, ngành nông nghiệp mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ đạt 64.000ha.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp như huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông đã chủ động quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu để làm ăn lâu dài với doanh nghiệp.

Theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, thông qua liên kết, doanh nghiệp và nông dân đều có lợi. Người nông dân có được đầu ra tốt và doanh nghiệp thu được sản phẩm gạo đạt chất lượng cao. Từ cơ sở đó, công ty tiến tới xây dựng thương hiệu gạo từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. Và hiện nay, sản phẩm của công ty đã được đưa vào 40 siêu thị trên cả nước.

Dù bước đầu đạt những con số khá ấn tượng về cánh đồng liên kết nhưng thực tế hiện nay, kết quả liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đạt rất thấp. Có địa phương chỉ đạt 5 - 10% diện tích liên kết. Theo Sở Công Thương, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp và người nông dân chưa có sự gắn kết với nhau. Doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng còn ít, chưa có sự ràng buộc lớn giữa 2 bên. Doanh nghiệp muốn liên kết thật sự chưa nhiều. Ngoài ra, người nông dân quen với phương thức sản xuất cũ, chưa có trách nhiệm đối với sản phẩm làm ra của mình, việc thực hiện hợp đồng còn thấp. Hai bên chưa có sự thông cảm chia sẻ lẫn nhau.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, 3 nhân tố chính trong liên kết nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hiện nay đều yếu. Nếu như sắp tới, 3 nhân tố này không có sự thay đổi thì cánh đồng liên kết sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi.

Trong khi thực tế sức hút của HTX đối với nông dân chưa cao; từng cá nhân riêng lẻ không thể cung ứng sản phẩm lớn cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thiếu người thay mặt người nông dân đàm phán, tổ chức sản xuất, cung cấp các dịch vụ sản xuất. Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Công chỉ ra do công tác vận động, tuyên truyền ban đầu về HTX chưa sát với tình hình thực tế. Vì vậy trong thời gian tới, để người nông dân tham gia vào HTX cần có những cách thức tuyên truyền vừa mềm dẻo vừa đúng thực tế, để khi soi rọi vào thực tiễn, nông dân nhận thấy ưu điểm của kinh tế tập thể mà đồng hành cùng với HTX.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.