(BVPL) - Việc Pepsico Việt Nam không ghi, không cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa cho người tiêu dùng về nơi sản xuất các sản phẩm, có dấu hiệu thực hiện không đúng Nghị định của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa. Việc viện dẫn các thông tư hướng dẫn do cấp bộ ban hành (văn bản dưới Nghị định) được giới luật sư phân tích rằng chưa thực sự phù hợp. Nếu thông tư không phù hợp hoặc chưa phù hợp với Nghị định thì cần phải điều chỉnh, chỉnh sửa.
 

 

Trao đổi với phóng viên, các luật sư, Nguyễn Văn Tú- Đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Ngụy Thành Thắng – Đoàn luật sư Hà Nội, Luật sư Xuân Bính- Đoàn luật sư Hà Nội đều có quan điểm rằng trong vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Hiến pháp là văn bản cao nhất sau đó là luật, nghị định, thông tư, quyết định… Về nguyên tắc văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn thì phải tuân thủ. 

 
Theo các chuyên gia pháp luật thì Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa được ban hành là căn cứ vào các văn bản khác như:  Luật Thương mại, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ vào Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa… Trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị định 89/2006/NĐ-CP. Đây là văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn so với các thông tư do cấp bộ ban hành. Vì vậy cần phải thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định này. Trường hợp nếu tất cả các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất không cung cấp thông tin về nơi sản xuất sản phẩm thì vấn đề sẽ thế nào, người tiêu dùng làm sao có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm khi xẩy ra các vấn đề về mất an toàn thực phẩm? Người tiêu dùng khi trao đổi với phóng viên nêu vấn đề.
 
Đến câu chuyện về sự công bằng trong tuân thủ quy định pháp luật
 
Cho đến thời điểm này, Pepsico Việt Nam vẫn im lặng chưa có bất cứ một giải thích nào về nguồn nguyên liệu đầu vào, nhập từ nhiều nước khác nhau, như trước nhiều cơ quan truyền thông đã thông tin có nguyên liệu đầu vào được nhập từ Trung Quốc. Tại kết luận thanh tra của Bộ Y tế thì thông tin này cũng không được cơ quan thanh tra cung cấp và nêu trong kết luận thanh tra mà chỉ nói chung chung là nguyên liệu được nhập từ nước ngoài. 
 
Theo đó Pepsico Việt Nam đang sử dụng 21 loại nguyên liệu và 57 loại phụ gia để sản xuất các sản phẩm trong đó về nguyên liệu doanh nghiệp tự nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau, 6 loại mua trong nước. Về phụ gia, doanh nghiệp nhập khẩu 49 loại từ nhiều quốc gia, 8 loại mua trong nước. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2016, Pepsico đã mua nguyên liệu để sản xuất 53.632 đơn hàng, trong đó có 1.204 đơn hàng tự nhập khẩu hoặc mua lại từ các nhà cung cấp.
 
Trước đó đầu tháng 8/2016, Thanh tra Bộ Y tế có kết luận thanh tra số 134/KL-TTrB về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty URC tại Việt Nam. Khi nói về nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đồ uống, về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và việc kiểm tra Nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, kết luận thanh tra trên của Bộ Y tế nêu rõ: Công ty sử dụng 348 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm của công ty. Trong đó có 172 loại do công ty tự nhập khẩu, có 176 loại do công ty mua của các nhà cung cấp trong nước, hàng có xuất xứ từ: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan….
 
Như vậy, nguyên liệu đầu vào các sản phẩm nước giải khát… của URC được Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ nhập từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trong kết luận thanh tra. Nhưng với Pepsico Việt Nam thì không.
 
Về việc ghi nhãn, ngày 12/9/2016, Thanh tra Bộ Y tế có kết luận thanh tra số 155/KL-TTrB về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH Nước giải khát Coca- Cola Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy có 6 sản phẩm của hãng này có thiếu sót và nhắc nhở trong việc ghi nhãn. Đó là nước giải khát Fanta hương cam, nước giải khát Sprite- chai thủy tinh, nước tăng lực hiệu Samurai- chai thủy tinh; nước tăng lực Samurai hương dâu… Những sản phẩm có nhãn hàng hóa sai phạm này đã được Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu nhà sản xuất phải khắc phục, báo cáo kết quả về Thanh tra bộ.
 
Nhưng với Pepsico Việt Nam thì câu chuyện ghi nhãn, tuân thủ Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, nghi ngại trong dư luận.
 
Hữu Nam