Cấm Trung Quốc thu mua gen quý hiếm, tài sản quốc gia
Cập nhật lúc 14:37, Thứ năm, 26/06/2014 (GMT+7)
Nguồn gen các cây quý hiếm được ví như tài sản của quốc gia đang được thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Nguồn gen các cây quý hiếm được ví như tài sản của quốc gia đang được thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt.
Riêng tại Quảng Ninh từ năm 2010, các tư thương Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức thu mua các loại cây như phong ba ở Hải Hà, lá chu ka (còn gọi cu ca) ở Tiên Yên, lan Kim tuyến ở Bình Liêu, ba kích ở các huyện miền Đông của tỉnh hay cây huyết giác…
Đáng chú ý, các tư thương Trung Quốc còn có ý định thu mua tận diệt nhiều loài thảo dược quý làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và gây bất ổn trong an ninh nông nghiệp.
Điển hình là những đợt thu mua cây lan Kim tuyến ở Bình Liêu vào trước năm 2013. Loài cây này sinh sống trên các triền núi đá vôi, dọc theo khe suối dưới tán cây to trong rừng ẩm có độ cao từ 500 đến hơn 1.000m có tác dụng chữa trị một số loại bệnh như ung thư, ức chế sự phát triển của khối u, điều hoà huyết áp, bệnh dạ dày, yếu sinh lý, đặc biệt là khả năng tái tạo tế bào gan.
Vào khoảng tháng 4-6 hàng năm, người dân các xã ở huyện Bình Liêu rủ nhau lên rừng tìm cây kim tuyến để mang bán cho các thương lái Trung Quốc.
Hồi tháng 5/2013, thương lái Trung Quốc đã đến thu mua thân, rễ nhiều loại cây. Ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng vậy, thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ cây thuốc một thân khiến cây dược liệu quý của Tây Bắc đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.
Cây thuốc một thân là một loại dược liệu quý được dùng chữa trị nhiều loại bệnh cho bà con trong vùng đồng bào Dao. Thương lái Trung Quốc đến tận nơi đặt mua với giá cao nên nhiều bà con trong các thôn bản đã rủ nhau lên rừng lấy thuốc bán.
Đặc biệt, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia của người dân chưa cao nên đã tiếp tay cho tư thương người nước ngoài trong việc thu mua, vận chuyển nguồn gen quý hiếm ra nước ngoài.
Thêm nữa, công tác quản lý các giống cây trồng quý hiếm của Việt Nam cũng được chỉ ra là còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Theo Báo Đất Việt