Tổng cục Hải quan cho biết, việc ban hành Thông tư nhằm quy định cụ thể, thống nhất, minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Lần đầu tiên đối với lĩnh vực xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có một đầu mối văn bản riêng giúp hải quan và doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện và tra cứu.

leftcenterrightdel
Thông tư  38 ban hành sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ( ảnh minh họa: nguồn internet)  

Ngoài ra, việc ban hành Thông tư tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, Thông tư ban hành còn góp phần minh bạch hóa trong việc thực hiện xác định xuất xứ hàng hóa. Theo đó, quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chừng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Cụ thể, các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4) gồm: Hàng hoá có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

Hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên; hàng hóa đang được thông báo nghi ngờ nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

Hàng hoá thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

Hàng hoá thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng, để xác định hàng hóa không thuộc diện áp dụng các thuế này;

Đáng chú ý, trong Thông tư này, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với 03 mặt hàng là: thịt và các sản phẩm từ thịt, than và ô tô.

Việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4) cũng được quy định cụ thể gồm: hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thông thường;

Đối với hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan đối với toàn bộ lô hàng và được thông quan theo quy định.

Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định.

Huyền Trang