Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ những định hướng và giải pháp thiết thực của tỉnh đã giúp các ngành hàng chủ lực của đề án chuyển biến tích cực.

 

 

Khai thác nội lực trong và ngoài

 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện thí điểm một số chính sách tạo đòn bẫy như: hỗ trợ 50% lãi suất tăng quy mô sản xuất và san phẳng đồng ruộng, thí điểm cử cán bộ các trạm ngành nông nghiệp huyện về làm phó giám đốc HTX, cho vay theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và cá tra... Qua triển khai thực hiện các chính sách, bước đầu đã khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp và HTX, tạo điều kiện liên kết sản xuất và mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất. Riêng chính sách biệt phái cán bộ nông nghiệp hỗ trợ cho HTX đã góp phần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và tổ chức sản xuất cho HTX.

 

Để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, Đồng Tháp đã vận dụng linh hoạt ngoại lực thông qua hợp tác quốc tế. Thời gian qua, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KRC) thực hiện dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Tổ chức sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á (GIZ) triển khai mô hình hợp tác công - tư trong liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tại huyện Lấp Vò và huyện Tam Nông

 

Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng Tháp đã và đang triển khai thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Tháp do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong đó, Đồng Tháp tham gia ¾ hợp phần.

 

Trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) và Đồng Tháp, hai bên đã có những chuyến tham quan, trao đổi để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và một số lĩnh vực khác. Trong tháng 7 vừa qua, Đoàn Ibaraki đến Đồng Tháp giới thiệu về nông nghiệp và quá trình phát triển HTX, công tác khuyến nông của tỉnh Ibaraki. Thông qua đó, HTX tỉnh nhà cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ nước bạn trong việc giữ chữ tín trong liên kết sản xuất, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.