Xã Phong Mỹ có tổng đàn vịt lớn nhất nhì huyện Cao Lãnh với trên 38 ngàn con. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả mang lại cho người dân từ ngành này chưa cao do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết, dịch bệnh,...


Phân tích về thực trạng chăn nuôi vịt trên địa bàn xã hiện nay, lãnh đạo UBND xã Phong Mỹ cho biết, khó khăn nhất là qui mô nhỏ, nuôi chạy đồng theo mùa thu hoạch lúa để tận dụng thức ăn. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh vào chăn nuôi còn nhiều hạn chế, vì vậy rất khó kiểm soát dịch bệnh, rủi ro thất thoát do dịch bệnh rất cao, làm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ không tạo ra được sản phẩm đồng đều với số lượng lớn để cung cấp ở các thị trường lớn mà chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ nông thôn và thương lái ở địa phương nên đầu ra chưa ổn định.

Xét về yếu tố bền vững kỹ thuật thì hình thức nuôi vịt chạy đồng khó đáp ứng được. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm chăn nuôi được nâng cao, do đó sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới phải đảm bảo các yêu cầu khắc khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chi phí thuốc thú y, nguyên vật liệu dùng trong chăn nuôi ngày càng tăng sẽ làm gia tăng giá thành sản phẩm, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm...

Xuất phát từ thực trạng trên, địa phương thấy rằng để tồn tại và phát triển bền vững ngành chăn nuôi vịt thì phải tạo ra số lượng hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng sản phẩm đồng đều cung cấp cho thị trường, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi, từng bước nâng cao giá trị thu nhập bền vững cho nông dân... Để thực hiện mục tiêu này, cần có những giải pháp chuyển đổi hình thức nuôi, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người nuôi vịt như chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ tạo đầu ra sản phẩm ổn định cho ngành chăn nuôi...

Theo đó, giải pháp của xã là thành lập Ban điều hành kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng vịt của xã; xây dựng cụ thể kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng vịt từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo định hướng chung của huyện; căn cứ vào tình hình phát triển chăn nuôi vịt và lợi thế của từng ấp, định hướng phát triển xây dựng vùng chuyên chăn nuôi vịt gắn với liên kết tiêu thụ trên địa bàn của xã. Đặc biệt, phương thức chăn nuôi vịt trong thời gian tới là chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi tận dụng ao hầm để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và gắn với xử lý ô nhiễm môi trường.

Bước đầu, xã sẽ kết hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, Trạm thú y, Khuyến nông thẩm định chọn 5-10 hộ có đủ điều kiện chăn nuôi để ký hợp đồng thí điểm chăn nuôi vịt siêu thịt SuperM quy mô 500 - 1.000 con/hộ gắn với liên kết tiêu thụ, hoặc nuôi gia công với Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ. Sau thời gian nuôi và bán sản phẩm sẽ tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm thuận lợi và khó khăn giữa công ty và hộ chăn nuôi trong quá trình thực hiện hợp đồng để làm cơ sở nhân rộng tiến đến thực hiện đại trà trên địa bàn. Từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi vịt để làm cơ sở cho việc ký hợp đồng chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoặc nuôi gia công.

Song song đó, sẽ phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm thú y, Trạm khuyến nông, các ban, ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nhân dân chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, tập trung, trang trại; thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn, quy trình phòng bệnh đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra để phát triển chăn nuôi bền vững. Phối hợp cùng các ngành liên quan của huyện, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăn nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết...

Tin rằng với những bước đi cơ bản này, việc tái cơ cấu ngành hàng vịt trên địa bàn xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh sẽ định hình được bước đi mới, tạo ra số lượng hàng hóa lớn, an toàn và chất lượng sản phẩm đồng đều cung cấp cho thị trường, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị thu nhập bền vững cho nông dân...

 

Theo Báo Đồng Tháp

.