Trong khi cá tầm lậu “bay” từ Nội Bài vào TPHCM chưa xử lý được, lại phát sinh nghi án siêu thị Metro phía Bắc cũng bán loại cá này. Còn Vụ trưởng Pháp chế -Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) ký văn bản liên quan đến “rửa” cá tầm một cách cẩu thả.
 
 
Nghi Metro bán cá tầm lậu?
 
Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về chuyện cá tầm lậu ngày 7/7, ông Lê Anh Đức, Tổng giám đốc Cty CP Cá Tầm Việt Nam đưa ra thông tin siêu thị Metro khu vực miền Bắc bán cá tầm lậu. Theo ông Đức, Cty ông (chiếm 70-80% thị phần cá tầm Việt Nam) không bán cho Metro.
 
Ông Đức cho hay, không có chuyện “đánh” cá tầm từ Tây Nguyên ra miền Bắc bán. Hiện, không chỉ Metro, mà hầu hết các siêu thị ở miền Bắc bán cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc.
 
“Chính chúng tôi đã yêu cầu phía Metro không để logo chúng tôi (Cá tầm Việt Nam), và cuối cùng họ cũng dỡ xuống, nhưng vẫn để là cá tầm có nguồn gốc ở Việt Nam” - ông Đức nói. Ông Đức cũng cho biết thêm, ở Bắc Giang, có một trại, chỉ có khoảng mấy chục khối nước trong ao, may ra nuôi được mấy chục con cá. Chưa kể nước nóng như thế cá tầm sống sao nổi, nhưng mỗi ngày vẫn viết hóa đơn từ 5-7 tấn cá tầm. Đây là một trong những địa chỉ “rửa” cá tầm lậu thời gian qua.
 
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức, khẳng định: “Tôi là người sản xuất và cung cấp giống duy nhất ở miền Bắc và tôi biết tôi bán cá cho ai”. Ông Cử đồng tình với thông tin ông Đức nói trên. “Tôi với một chuyên gia người Đức, ngồi quan sát 15 phút bể cá tầm của Metro, và chúng tôi khẳng định rằng đó là cá tầm Trung Quốc. Vì cá tầm Trung Quốc là cá tầm lai, hình thể dễ nhận dạng do có vết xây xước. Cá tầm lậu phải đi một chặng đường rất dài.
 
Ông Cử cho hay, trước lúc đầu tư mạnh vào cá tầm, ông đã cùng đi theo một tay có thâm niên buôn lậu hàng chục năm để tìm hiểu về cung đường cá tầm lậu. Theo ông, họ đi hơn 2.500 km đến Phúc Kiến (Trung Quốc) để lấy cá, và đi ngần đó về khu vực Móng Cái. Khi hàng về ở gần cửa khẩu, sẽ được chuyển qua sông, rồi từ Móng Cái về Hà Nội gần 400 km nữa, nên cá bị xây xước là điều dễ hiểu. “Và Metro khó mà chứng minh được xuất xứ”-ông Cử nói.
 
Cán bộ xử lý văn bản cẩu thả
 
Ông Trần Yên, chủ một đơn vị nuôi trồng thủy sản ở Lai Châu, cho phóng viên xem phiếu chuyển đơn của do ông Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Pháp chế -Thanh tra của Tổng cục Thủy sản ký. Trên thì kính gửi Sở NN&PTNT Lai Châu, còn dưới lại chuyển thư này đến... Giám đốc sở NN&PTNT Long An để chỉ đạo làm rõ! Theo ông Yên, sở dĩ có văn bản kỳ cục trên, sau khi ông có thư gửi Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, báo tin về một trại nuôi ở Lai Châu có hiện tượng “rửa” cá tầm lậu Trung Quốc.
 
Ông Yên kể, đầu tháng 5/2013, ông phát hiện có Cty CP Thủy điện Chu Va (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) có cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi, đã nhập khẩu tiểu ngạch giống cá tầm từ Trung Quốc về nuôi. Đặc biệt Cty này còn đưa người Trung Quốc sang nuôi, và không rõ nuôi bằng công nghệ nào, sử dụng chất tăng trọng, kháng sinh ra sao.
 
Theo ông Yên, sau khi báo tin lên cấp xã, huyện, tỉnh vẫn chưa được xử lý, ông mới gửi lên bộ. Tuy nhiên, sau khi đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản (do ông Cường dẫn đoàn) lên kiểm tra, xác định có thật, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
 
Theo ông Yên, lo ngại nhất là nạn “rửa” cá tầm nhập lậu qua các trại ở Việt Nam nhằm hợp thức hóa hàng lậu. Hiện một số trại nuôi ở các tỉnh miền Bắc đang có hiện tượng trên. Nếu việc trên tiếp tục mở rộng, nguy cơ người tiêu dùng Việt Nam sẽ quay lưng với cá tầm Việt Nam. “Việc xác định, chỉ cần yêu cầu đơn vị đó cung cấp nguồn gốc, xuất xứ, là ra ngay, nhưng không hiểu các anh ấy làm kiểu gì”- ông Yên nói.
 
Theo ông Đức, cả miền Bắc, hiện có khoảng 30 tấn cá tầm thương phẩm. Không ít người quay vòng hóa đơn. Thậm chí có trường hợp, xuất hóa đơn bán cá từ Đà Lạt ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào TPHCM.
 
Ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, chúng ta có đủ lực lượng như quản lý thị tường, công an, hải quan, thuế... để làm rõ chuyện “rửa” cá tầm lậu. Vấn đề là họ làm trách nhiệm đến đâu. “Không chỉ cá tầm, nhiều nông, thủy sản khác của Trung Quốc đang phá thị trường Việt Nam một cách có chủ đích”- ông Mưu nói.
 
Cá tầm nuôi ở Việt Nam nguồn gốc từ Nga và châu Âu. Loại cá tầm Nga này có màu vàng óng đặc trưng ở bụng dưới, mũi dài, nhưng hình tròn tù, không nhọn. Đặc biệt là mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và 2 bên hông cá. Còn cá tầm Trung Quốc và cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga; mũi cá dài nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.
 
Theo Phạm Anh
Tiền Phong Online