Bảng hiệu “Safe off” từ 50 - 70% đặt to tướng trước nhiều cửa hàng thời trang như “níu chân” người đi đường vì mức giảm quá lớn vào dịp cuối năm trong khi nhu cầu trong mua sắm lại tăng cao. Thế nhưng, ít ai biết, việc đại hạ giá chỉ là một “chiêu” quen thuộc của nhiều chủ tiệm nhằm… “câu khách”.


Một số cửa hàng chuyên kinh doanh thương hiệu thời trang “có tiếng” cũng tranh thủ áp dụng cách “hút khách” đơn giản bằng việc “safe off”. Cũng tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, shop Jockey và Anna Nina có treo biển “Safe off đến 70%”, thế nhưng, áp dụng cho mức giảm “siêu hời” đó, khách hàng chỉ mua được những sản phẩm cũ, tồn kho. Tại shop Anna Nina chuyên bán đầm bầu, nhân viên bán hàng chỉ vào một vài mẫu đầm bầu cũ và cho biết, một vài cái đó là giảm 70%, có chiếc giảm 50% thì ít cũ hơn, còn những mặt hàng mới chỉ giảm 15%, thậm chí còn nhiều sản phẩm không áp dụng chương trình giảm giá - đồng nghĩa là giá bán vẫn không thay đổi.

Shop Jockey lại có thêm cách giảm giá mới khá đặc biệt khi chương trình áp dụng mức 30%, 50% hay 70% lại tùy thuộc vào số lượng sản phẩm mà khách hàng thanh toán. Chưa kể, một điểm khá “đặc biệt”, để nhận được mức giảm giá trên thì trong số các sản phẩm đã chọn phải có ít nhất 1 sản phẩm cũ do chính cửa hàng bày riêng ở một khu vực khác mới được áp dụng giảm giá. “Chiến lược” giảm giá khá đặc biệt khi mức giảm có thực nhưng kèm đó là các điều kiện khác, đây là cách “giải phóng” hàng cũ khá hữu hiệu được nhiều cửa hàng thời trang áp dụng.

Bạn Thanh Thảo (sinh viên Trường Đại học KHXH-NV) thở dài: “Bình thường tôi không thường xuyên ghé thăm các shop quần áo bởi đang đi học nên cũng không có nhu cầu mua sắm nhiều. Nhưng vào dịp Noel, Tết Dương lịch, thấy nhiều nơi giảm giá đến 50%, có nơi giảm đến 70%, tôi và vài đứa bạn cũng rủ nhau đến xem sao. Vào một shop quần áo gần Làng Đại học Quốc gia TP.HCM có treo biển giảm giá, sau một hồi chọn lựa cũng được cái ưng ý. Thế nhưng, cả đám như “đứng hình” khi hóa đơn thanh toán không được giảm một xu. Thắc mắc về tấm biển hiệu giảm giá thì chúng tôi được chủ tiệm chỉ tay vào đống quần áo cũ và cho biết chỉ áp dụng với mặt hàng này thôi. Nghĩ tới việc mua hàng giảm giá, tôi vẫn chưa hết ngán ngẩm”.

Chị Thu Hương (nhân viên văn phòng, Q.1) ngán ngẩm: “Nhắc đến mua hàng giảm giá, tôi chỉ thấy bực mình. Từ lâu, tôi không còn mấy mặn mà với việc mua hàng giảm giá và đặc biệt là mặt hàng thời trang. Nhớ thời điểm giáp Tết Âm lịch năm trước, lúc đang có nhu cầu sắm sửa quần áo cho năm mới cho bé nhà tôi, thấy có shop bán quần áo trẻ em cạnh nhà với mức giảm đến 70%. Thế nhưng, mua hàng xong mới vỡ lẽ những mặt hàng giảm là những sản phẩm đổ đống ở góc tường, còn lại là giá bình thường. Hôm đó, nhiều khách hàng khác cũng trong hoàn cảnh như tôi, thất vọng với mức giá “trên trời” của sản phẩm chưa giảm giá, còn sản phẩm giảm giá thì lại không thể nào dùng được. Đúng là tiền nào của nấy”.

Có lẽ, cuối năm là thời điểm tốt để buôn bán, kinh doanh và cũng là cơ hội để các cửa hàng tranh nhau “xả hàng” tồn kho. Thế nhưng, việc lợi dụng “safe off” để “kéo khách ghé thăm” khiến cho khách hàng “rước bực” phải chăng là cách làm hiệu quả? Chưa kể, nếu việc “khuyến mãi ảo” cứ tiếp diễn và lập đi lập lại mỗi năm sẽ khiến người tiêu dùng dần mất lòng tin vào cách bán hàng và giá cả của sản phẩm tại các cửa hàng kinh doanh hàng may mặc trong nước.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.