Kinh tế Bình Dương vẫn tăng trưởng trong thời dịch bệnh

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2020, cho thấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8,09%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,21%; Dịch vụ tăng 5,65%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,86%.

leftcenterrightdel
Tòa tháp đôi Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. 
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, kiểm soát biên giới làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Đến nay, dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt, doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng,..., thay đổi chiến lược kinh doanh, tìm được nguồn nguyên liệu, có đơn hàng xuất khẩu trở lại, mở rộng thị trường tiêu thụ nên sản xuất công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi, phát triển.

Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2020 và phòng, chống dịch COVID-19. Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá. Công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng được tăng cường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 122.391 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 3,44% so với cùng kỳ.

Định hướng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, từ nay đến hết năm sẽ dùng mọi biện pháp để đạt kết quả tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.UBND tỉnh Bình Dương đang tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ để trình các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến thẩm định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền; có nhiều dự án, công trình mà các đại biểu, cử tri quan tâm, trong đó có các dự án, công trình liên quan đến phát triển KT-XH của vùng, quốc gia, khu vực và của tỉnh, như: Hệ thống cầu, đường kết nối với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai; đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, nâng cấp mở rộng đường ĐT743.

leftcenterrightdel
 Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Dự án được trình tại kỳ họp vừa qua, bao gồm: Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743 theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Một khi các dự án này được hoàn thiện sẽ góp phần đáng kể cho việc giải quyết áp lực về hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Liêm cho biết.

Một số giải pháp để phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KT-XH, vừa phòng chống dịch; tiếp tục quán triệt phương châm của Chính phủ yêu cầu trong năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, đồng thời nhất quán quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trên các ngành, lĩnh vực như: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu, tỉnh sẽ chủ động, cương quyết thực hiện điều chuyển vốn sang các chủ đầu tư khác, các địa phương khác. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các DN qua nhiều kênh, với nhiều phương thức để các DN xuất khẩu chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Bên cạnh đó là phát động các phong trào thi đua trong các ngành, các cấp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 của Bình Dương.

PV