Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện một số lô hàng bột ngọt từ thị trường Trung Quốc, Thái Lan xuất sang Việt Nam theo đường nhập lậu để trốn thuế.
 


Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh mặt hàng bột ngọt, trong thời gian qua, các lực lượng kiểm tra đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn bột ngọt giả, bột ngọt nhập lậu như: Đội QLTT 5A kiểm tra, phát hiện một kho hàng tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, tạm giữ 3 tấn bột ngọt do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ; Đội QLTT Tân Bình kiểm tra một kho chứa hàng tại đường Huỳnh Văn Nghệ, phường 15, quận Tân Bình, thu giữ hơn 1,2 tấn bột ngọt Trung Quốc nhập lậu, giả bột ngọt Ajinomoto; Công an TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra điểm sản xuất bột ngọt giả tại một căn nhà trên đường Ao Đôi, phường Bình Trị Đông A, do Dương Thị Yến Oanh (35 tuổi, thường trú quận 5) thuê. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra thu giữ 10 gói bột ngọt (loại 400g) chưa kịp đóng gói, 160 gói loại 1kg, 300 gói loại 400g, 100 gói loại 100g, 30 gói bột ngọt hiệu Saji - Vedan, 80 bao bột ngọt xá Trung Quốc, 35kg bao bì nhựa nhãn hiệu Ajinomoto, …

 Riêng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong quý I/2014, đã kiểm tra phát hiện 3 vụ bột ngọt Trung Quốc nhập lậu (dạng bao 25kg và bột ngọt rời) và 2 vụ bột ngọt nhập lậu đóng giả hiệu Ajinomoto, thu giữ tổng cộng hơn 1 tấn bột ngọt. Theo đánh giá của ông Dương Thanh Hoàng, Chi cục phó Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh: Phần lớn bột ngọt Trung Quốc nhập lậu theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu phía Bắc rồi tuồn vào TP Hồ Chí Minh. Những lô bột ngọt nhập lậu bị bắt giữ thường có kèm theo bao bì giả các thương hiệu đã được in sẵn từ bên Trung Quốc.

Khi về Việt Nam, các đối tượng chia nhỏ ra nhiều hướng, rồi thực hiện việc sang chiết, đóng gói, tiêu thụ ra thị trường. Ông Hoàng cũng cho biết, bột ngọt Trung Quốc thường được nhập nguyên bao 20 - 25kg, trên bao bì in toàn chữ Trung Quốc. Một số nhãn hiệu bột ngọt Trung Quốc đã từng bị phát hiện tại thị trường nội địa như: Condiment, Fufeng (hình 2 con tôm)…

Tăng cường kiểm tra

Theo quy định, bột ngọt nhập lậu, bột ngọt giả thương hiệu sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử lý nghiêm đối tượng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, để bắt quả tang loại tội phạm này là điều không dễ. Một cán bộ QLTT cho biết, để tránh phát hiện của các lực lượng kiểm tra, các đối tượng thường sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó chứ không sản xuất hàng loạt, chứa trữ trong kho. Vì thế, khi kiểm tra ít khi bắt được số lượng lớn. Ngoài ra, cũng có một số đơn vị bị các đối tượng làm giả thương hiệu, nhưng lại không muốn phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn vì sợ thông tin công khai thì NTD e ngại hàng giả mà tẩy chay luôn hàng thật. Chính vì vậy mà hàng giả, hàng lậu vẫn “sống” khỏe, các đối tượng bị xử lý hình sự không nhiều nên không đủ sức răn đe.

Về vấn đề an toàn đối với người sử dụng, đại diện Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, qua những lô bột ngọt giả thương hiệu Ajinomoto, lực lượng kiểm tra đã làm việc với đơn vị sản xuất bột ngọt Ajinomoto chính hãng để đối chiếu, thẩm định và kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng bột ngọt Trung Quốc làm giả không đạt tiêu chuẩn chất lượng như bột ngọt chính hãng và nhiều người ăn phải bột ngọt Trung Quốc giả này thường có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Vì vậy, NTD cần cảnh giác với những sản phẩm bột ngọt có giá quá rẻ, hoặc không bao gói, nhãn mác, hoặc đóng gói sơ sài, không đầy đủ thông tin.

Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra mặt hàng bột ngọt nhập khẩu. Trong đó, tập trung kiểm tra các DN khai báo nhập khẩu các lô hàng không nhãn mác, các lô hàng nhập khẩu bột ngọt nhưng khai sai mã hàng hóa khác để trốn thuế hoặc để làm giả nhãn hiệu. Được biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm, đã có gần 5.000 tấn bột ngọt Trung Quốc có giá siêu rẻ bất thường nhập vào thị trường Việt Nam
 

Theo CAND