Theo các chuyên gia, nếu sử dụng bát đĩa nhiều, đặc biệt là những loại có mẫu mã đẹp thì nguy cơ ngộ độc do nhiễm chì càng cao.
Theo Gia đình Việt Nam, bát, đĩa, cốc, chén làm bằng gốm, sứ, thủy tinh là những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, men chì khi sử dụng trong sản xuất gốm sứ có thể đem đến cho sản phẩm hình thức bắt mắt, màu sắc rực rỡ, bề mặt bóng đẹp.
Tuy nhiên do có khả năng chống mài mòn kém nên bát đĩa tráng loại men này sau một thời gian sử dụng dễ bị mòn men, màu sắc hoa văn bị phai nhạt. Khi đó, với các sản phẩm như bát, đĩa…, chúng sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm vì lượng chì thoát ra rất nhiều và ngấm hết vào thức ăn.
Hơn nữa trong quá trình sử dụng, những đồ sứ kém chất lượng và có chứa các chất độc đó tiếp xúc với môi trường axít, kiềm. Trong nhiệt độ cao, các nguyên tử bề mặt có xu hướng tách ra hòa lẫn vào thực phẩm, nước. Nhiệt càng cao, chì càng bị kích hoạt tách ra nhiều hơn...
Trên thực tế, nguy cơ người dùng bị nhiễm độc này rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với các sản phẩm sứ rẻ tiền, được sản xuất ở các lò thủ công. Vì những cơ sở này, quy trình thường không chuẩn và đảm bảo an toàn.
Làm sao để nhận biết gốm sứ nhiễm chì?
Báo Kinh Doanh &Pháp luật cho biết, người tiêu dùng cần biết một số cách nhận diện gốm sứ nhiễm chì dưới đây để tránh mua phải bát đĩa có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, gây hại tới sức khỏe cả nhà.
Thứ nhất bạn cần nhận diện qua hoa văn, màu sắc. Bởi các sản phẩm đồ sứ như cốc, bát, đĩa... an toàn thường không có màu. Còn những loại ly cốc nhiều hoa văn, màu sắc là do nhà sản xuất cho thêm chì vào để tạo màu cho sản phẩm kết hợp với giảm nhiệt để tiết kiệm chi phí. Không những vậy, nhiều cơ sở dùng chì để tráng men ở lớp ngoài, tạo sự sáng bóng, đẹp mắt cho sản phẩm.
Loại gốm sứ nhiễm chì này rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên mua những sản phẩm gốm, sứ chất lượng cao, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng.
Cách thứ 2 để nhận biết chì trong bát đĩa bằng giấm. Bạn có thể đựng dấm vào các sản phẩm bát đĩa bằng gốm sứ, nếu thấy sản phẩm có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm bị đổi màu thì không nên dùng.
Ngoài ra, khi chọn mua đồ gốm sứ nên mua ở những địa chỉ uy tín. Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Khi thấy bát đĩa sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn thì nên mua bát mới bởi men chì nhanh bị mài mòn, phai màu và hàm lượng chì thoát sẽ ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng.
Đặc biệt, những bà nội trợ không nên dùng bát đĩa gốm, sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng vì nhiệt độ trong lò làm chất độc trong gốm, sứ dễ tan hơn.
Theo VietQ