Quá trình tham gia những thị trường lớn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặt ra cho các quốc gia nói chung và doanh nghiệp (DN) nói riêng một thách thức lớn: phòng vệ thương mại. Khi hàng ngoại tràn vào, phòng vệ thương mại trở thành hàng rào giúp bảo vệ hàng hóa trong nước. Điều này không mới với các quốc gia khác, nhưng lại khá mới với Việt Nam.

 

 

Theo Bộ Công thương, so với các nước cùng tham gia các FTA, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì phòng vệ thương mại của Việt Nam khá yếu. Tuy nhiên, gần đây một số DN Việt Nam đã chú ý đến phòng vệ thương mại và đã thành công trong việc kiện bán phá giá để bảo vệ được mặt hàng đang sản xuất trong nước, như: dầu thực vật, thép, bột ngọt.

 

Doanh nghiệp phải tự làm

 

Phòng vệ thương mại được xem là công cụ khá hữu hiệu giúp DN các nước cùng tham gia vào những thị trường lớn hơn, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.

 

Theo lộ trình của các FTA, sẽ có trên 99% các dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ  giảm về 0%. Trong đó, có những dòng thuế đã và đang giảm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng trong khối ASEAN, hàng từ các nước khác tràn vào. Có những mặt hàng khi tràn vào nội địa có giá rất rẻ, chỉ bằng 60-70% so với hàng cùng loại sản xuất trong nước. Điều này khiến các DN tại Việt Nam điêu đứng. Dù chưa nhiều, song thời gian qua một số DN, hiệp hội ngành hàng đã đứng ra kiện bán phá giá và đã thành công.

 

Cụ thể, tháng 6-2015, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đã nộp đơn lên Bộ Công thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu. Sau đó, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra và yêu cầu các DN sản xuất bột ngọt trong nước cung cấp thông tin để có đủ bằng chứng áp dụng thuế chống bán phá giá. Theo ông Yang Kun Hsiang, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam có giá rất rẻ và đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Vì vậy, công ty đề nghị Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ là để bảo vệ công ty lẫn các DN sản xuất bột ngọt trong nước.

 

Cuối tháng 3-2016, Bộ Công thương chính thức áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế gần 4,4 triệu đồng/tấn trong thời gian một năm, từ ngày 25-3-2016 đến ngày 24-3-2017. Mức thuế tự vệ sau đó sẽ giảm dần trong 3 năm tiếp theo và không còn áp dụng từ ngày 25-3-2020.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Gần đây, DN Việt Nam có chú ý đến phòng vệ thương mại, nhưng rất ít. Trong năm 2015, cả nước chỉ có vài vụ kiện phá giá, trong khi các nước kiện chúng ta bán phá giá đến gần 80 vụ. Vào hội nhập sâu, đây là công cụ bảo vệ đắc lực. Vì thế, DN phải tìm hiểu kỹ quy định này để tự bảo vệ, Chính phủ không thể đứng ra làm thay”. Ông Khánh  lưu ý thêm, Chính phủ muốn áp dụng biện pháp tự vệ thì cần phải dựa vào đơn khởi kiện của DN. Đơn khởi kiện hợp lệ là khi DN chứng minh được giá thành bán phá giá của mặt hàng đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của mình.

 

Lo cho mình trước

 

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, DN, hiệp hội các ngành hàng nên nghiên cứu, tìm hiểu rõ về phòng vệ thương mại và nắm được giá thành sản xuất chung của mặt hàng tại Việt Nam cũng như các nước đang sản xuất mặt hàng này qua từng năm và sản lượng xuất nhập khẩu, giá bán. Như vậy, khi phát hiện mặt hàng trên nhập khẩu vào Việt Nam ồ ạt, có dấu hiệu bán phá giá sẽ dễ dàng thu thập đủ thông tin khởi kiện bán phá giá với Bộ Công thương.

 

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết: “Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức thành lập và nhiều FTA sẽ có hiệu lực. Trong thời gian tới, bánh kẹo chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu. Để giữ thị trường nội địa, xuất khẩu, Bibica có chuẩn bị từ trước là đầu tư công nghệ mới, nâng chất lượng, quản trị tốt để hạ giá thành sản phẩm ngang với các nước khác. Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ để nếu phát hiện mặt hàng này bị bán phá giá tại Việt Nam, sẽ dùng đến phòng vệ thương mại để bảo vệ mình”. Cũng theo ông Hoàng, hội nhập mang theo cơ hội và thách thức rất lớn, DN muốn phát triển bền vững trước tiên phải tự cứu mình.

 

“Thời gian qua, thịt gà trắng nhập khẩu vào Việt Nam giá 7-8 ngàn đồng/kg. Điều này là không thể, vì giá thành sản xuất gà công nghiệp tại các nước hiện đại, như: Hoa Kỳ, Canada là khoảng 22 ngàn đồng/kg. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã kiện mặt hàng gà thịt bán phá giá tại Việt Nam, nhưng vụ việc hơn 1 năm vẫn chưa ngã ngũ và người chăn nuôi đang chịu tổn thất lớn” - ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói.

 

Theo Bộ Công thương, hiện nay chăn nuôi heo, gà và nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác tại Đồng Nai đang chịu sức ép lớn từ hội nhập. Phòng vệ thương mại là một trong những rào cản giúp DN giữ thị trường nội địa. Nhưng bên cạnh đó, DN cũng cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành cạnh tranh và giữ thị trường.

 

Theo Báo Đồng Nai

.