Theo kết luận của cơ quan kiểm định, ngoài nguyên liệu chính là đậu nành, trong đậu phụ còn chứa nhiều hóa chất dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên tìm đến gia đình anh Triệu Văn Lập và chị Triệu Thị Hiệp ở số nhà 158, tổ 7, ngõ 50, phố Mai Động, phường Mai Động, gia đình đã có 5 đời làm đậu. Chị Hiệp cho biết, hiện nay chỉ còn khoảng 6 - 7 nhà là người gốc ở làng còn làm nghề gia truyền. Thông tin đậu phụ có sử dụng hóa chất, chất tẩy làm trắng đã không ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của gia đình chị. Mỗi ngày gia đình chị làm khoảng 60kg đỗ tương, làm đến đâu, bán hết đến đấy. Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh này không hề được cơ quan nào kiểm soát.
Năm 2013, đã có thời gian Hà Nội rộ lên việc các cơ sở sản xuất đậu phụ đã sử dụng thạch cao để làm đậu phụ, sau đó lại lắng xuống. Do đó, thông tin vừa qua về việc sử dụng chất tẩy làm trắng cũng sẽ không làm giảm sức tiêu thụ của đậu phụ Mai Động. Chị Hiệp chia sẻ: “Vì cái tâm và nghề truyền thống của gia đình không cho phép người làm đậu làng Mai Động sử dụng hóa chất hay thạch cao để làm đậu”. Còn nước dùng để ngâm đậu phụ, chị Hiệp cho biết, theo kinh nghiệm, ngâm đậu vào nước muối nhạt sẽ giữ đậu được lâu hơn. Tất nhiên, số lượng đậu phụ gia đình chị Hiệp và các hộ làm ở Mai Động chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường. Và chất lượng đậu phụ được đưa ra tiêu thụ trên thị trường rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kiểm định.
Làm cách nào người tiêu dùng phân biệt được đậu phụ có chứa thạch cao hay sử dụng hóa chất? Đó là câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm. Về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với TS. Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, ông Thọ cho biết: Bằng cảm quan, mắt thường khó phân biệt được, chỉ qua xét nghiệm, phân tích mới biết chính xác điều này. Nguyên nhân chính là do xuất phát từ chỗ thiếu hiểu biết của các cơ sở sản xuất về các chất phụ gia và an toàn thực phẩm. Do đó, các cơ quan liên quan cần phối hợp kiểm soát và có thể triệu tập người sản xuất để tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất nâng cao hiểu biết nhằm giúp tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.
Có quá nhiều chất cấm được sử dụng làm đậu phụ
Đối với vụ việc tại Cần Thơ, theo kết luận của cơ quan kiểm định, ngoài nguyên liệu chính là đậu nành, cơ quan chức năng đã lập biên bản, lấy mẫu và tạm giữ nhiều hóa chất như: food ADDITIVES BZ 168 với số lượng 179kg; MYUC STD với số lượng 5kg; PhosAn là gia phụ phẩm; CarFosel 14kg; Pearl po9 11kg; Hydro Sulfite 39kg. Đây là những hóa chất được dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Ngoài lấy những mẫu hóa chất để kiểm định, cơ quan chức năng còn lấy mẫu nước sản xuất, mẫu nước thải, khí thải để kiểm định. Theo đó, trong những hóa chất mà cơ sở Bình Minh sử dụng có hydro sulfite - một hóa chất tẩy trắng. Hợp chất này có công thức hóa học Na2S2O4. Đây là hóa chất được sử dụng nhiều trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy... Trong chế biến thực phẩm, hóa chất này tuyệt nhiên bị cấm.
Theo khai nhận của chủ cơ sở Bình Minh, những hóa chất được phát hiện sẽ làm tăng sản lượng của sản phẩm và đối với tào phớ thì sẽ làm dai hơn. Theo đó, những hóa chất này sẽ được trộn lần lượt tùy vào từng công đoạn chế biến để có thể phát huy hết tác dụng của chúng. Theo các nhà khoa học, hydro sulfite có thể gây ung thư, hen suyễn, những chứng bệnh về hô hấp và thậm chí nó còn gây ngộ độc hệ thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương. Vì lợi ích cá nhân, chủ cơ sở này đã không hề nghĩ đến sự an toàn của người tiêu dùng.
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm lớn thường trực hàng ngày của mỗi người dân. Việc phòng chống ngộ độc thực phẩm không chỉ từ việc tuân thủ các quy định về ATVSTP của nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mà còn rất cần sự vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo SKĐS