Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam sang thị trường Australia đã đạt 889.000 USD, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5 tăng tới 236,5%.

 


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, thị trường Australia chỉ chiếm 2%, nhưng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này lại đang tăng “chóng mặt”.

Thống kê của Hải quan cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, con số xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam sang thị trường này đã đạt 889.000 USD, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5 tăng tới 236,5%.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho biết, nước này chủ yếu nhập khẩu cua ghẹ đông lạnh hoặc đã qua chế biến. Việt Nam là nước xuất khẩu cua ghẹ sang Australia nhiều thứ tư, sau Myanmar, Thái Lan và Indonesia.

Đáng chú ý, giá cua ghẹ Việt Nam trung bình xuất sang Australia lại thấp hơn hẳn so với các nước đối thủ: Trung bình 4 tháng đầu năm 2015, cua ghẹ Việt Nam chỉ có giá 8,5 USD/kg, trong  khi giá loại hải sản này của Myanmar, Thái Lan đạt trên 11,5 USD/kg.

VASEP cho biết, sau một thời gian giảm, nay thị phần của Việt Nam tại thị trường này đã tăng trở lại. Tuy nhiên, Australia là một thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao. Do đó, để cạnh tranh với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chứ không chỉ dựa vào giá thấp.

Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cua ghẹ sang thị trường Australia khá thuận lợi, vì hầu hết các mặt hàng không cần có giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Australia áp dụng quy định Lệnh giữ hàng (Holding Order) để xử lý các lô hàng thực phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu. Khi đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép vào nước này hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau nếu vi phạm lần đầu và là lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì.

Phần lớn các lô hàng thủy sản, trong đó có cua ghẹ của Việt Nam cũng đã bị áp dụng lệnh giữ hàng thường là do sơ suất trong khâu ký mã hiệu, bao bì, nhãn mác như thiếu tên nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, không ghi hạn sử dụng, không ghi xuất xứ, hoặc thành phần sản phẩm, và một số trường hợp là vượt định mức các chất cấm trong thực phẩm. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Australia, doanh nghiệp nên chú ý đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
 

Theo Chinhphu.vn

.