Quy định về photocopy trên thế giới
 
Trong luật bản quyền và sở hữu trí tuệ các nước luôn có một điều khoản được gọi là Dùng hợp lý (fair use ở Mỹ, fair practice ở EU) cho phép người sử dụng được dùng các tác phẩm trong một số tình huống nhất định mà không cần trả tiền hay xin phép tác giả. Tiêu biểu Luật bản quyền năm 1976 của Hoa Kỳ cũng có những quy định nhằm hài hòa hóa lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và những lợi ích công cộng của xã hội, theo đó, các quyền của tác giả có thể bị hạn chế bởi việc sử dụng của bên thứ ba. Việc sao chép tác phẩm bởi các thư viện, cơ quan lưu trữ vì mục đích nghiên cứu, giảng dạy không nhằm kinh doanh, theo quy định của Luật bản quyền năm 1976, là không vi phạm quyền tác giả. 
leftcenterrightdel
 Ở Việt Nam, khi xảy ra vi phạm bản quyền thì ở một góc độ nào đó, sinh viên cũng là nạn nhân trong khi nhu cầu photocopy tài liệu của sinh viên là có thật

Ở Nga, Luật quyền tác giả chỉ áp dụng đối với những tác phẩm đã được công bố hợp pháp. Đồng thời, việc sao chép tác phẩm không cần có sự đồng ý và trả thù lao cho tác giả nhưng bắt buộc phải có sự trích dẫn tên tác giả, nguồn gốc và sao chép trong giới hạn một bản duy nhất, không nhằm mục đích thương mại (phục vụ công tác thư viện hoặc dùng trong học tập, nghiên cứu khoa học).
 
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được xem xét trong luật pháp nhiều nước về sao chép như: dung lượng tài liệu photocopy (ví dụ 10% hay 20%, hay một chương của một cuốn giáo trình dày; toàn bộ một bài báo nghiên cứu khoa học), vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với chủ sở hữu quyền tác giả. Dù ở mức độ khác nhau nhưng về có thể thấy cơ bản luật pháp các nước đều cho phép photocopy tài liệu để dùng cho mục đích học tập trong nhà trường.
 
Áp dụng luật tác quyền trong hoạt động photocopy
 
Áp dụng luật tác quyền nhưng có thể thấy luật pháp nhiều nước trên thế giới vẫn có quy định rõ ràng về những trường hợp được phép sao chép. 
 
Thứ nhất, cho phép photocopy một phần của tác phẩm. Ví dụ tại Singapore, Úc, là không quá 10% tác phẩm, tại Anh là 20% tác phẩm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, đặc biệt là các tác phẩm phục vụ cho mục đích học tập, người đọc không cần hết toàn bộ tác phẩm mà chỉ cần một phần của tác phẩm đó thì tại sao chúng ta không cho họ quyền được     photocopy. Bảo vệ quyền của tác giả nhằm khuyến khích sự sáng tạo nhưng cũng cần cân bằng với lợi ích của xã hội.
 
Thứ hai, cấp quyền sao chép là hình thức được nhiều nước lựa chọn. Các nước thường cho phép sao chép miễn phí 5% - 20% tác phẩm, vượt quá số lượng nêu trên phải trả tiền. Việc trả tiền được tính thông qua các tổ chức trung gian, ví dụ như các trường. Đây chính là lý do tại nhiều trường trên thế giới đều đặt máy photocopy trong thư viện phục vụ sinh viên. Sinh viên khi sao chép vượt mức miễn phí sẽ phải trả tiền cho trường và trường sau đó thanh toán tiền lại cho Tổ chức quyền sao chép để phân bổ ngược cho tác giả. Ngoài ra, các trường có thể đóng phí thường niên tính trên đầu từng học sinh để được cấp quyền sao chép tài liệu. Như tại Singapore, chi phí này mỗi năm chỉ bằng giá một cái bánh của McDonald. 
 
Luật Việt Nam không đề cập đến mục đích học tập của sinh viên trong khi luật các nước có. Thế nên, khi căn cứ vào quy định của Việt Nam nếu không được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đồng ý thì nhiều sinh viên sẽ không được  photocopy tài liệu với bất kỳ dung lượng nào, cho dù nhằm mục đích học tập. Vì vậy ở Việt Nam, khi xảy ra vi phạm bản quyền thì ở một góc độ nào đó, sinh viên cũng là nạn nhân trong khi nhu cầu photo tài liệu của sinh viên là có thật và chính đáng, tại sao không cho phép trong khuôn khổ “sử dụng hợp lý”. Có thể thấy, trong sự việc vừa qua thì lỗi một phần thuộc về hệ thống pháp luật chưa có những quy định rõ ràng và ưu tiên cho việc photocopy phục vụ hoạt động giáo dục.
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên WTO, thì việc thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng. Việc thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không được đảm bảo sẽ bị coi là thực tiễn thương mại thiếu lành mạnh và là rào cản đối với thị trường tự do và mở cửa. Để làm được điều đó, một mặt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng cần phải được hoàn thiện hơn nữa trong các văn bản pháp luật và quan trọng hơn là phải nghiêm chỉnh thực thi các quyền đó trên thực tế, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải hoạt động hiệu quả và công bằng. Để làm được điều đó, chúng ta có thể tham khảo từ cách làm của các nước dựa trên thực tế nhu cầu của người Việt, đồng thời phổ biến luật pháp về sở hữu trí tuệ một cách rộng rãi để những trường hợp đáng tiếc như câu chuyện vừa qua ở trường Đại học Luật sẽ không tiếp tục tái diễn trong tương lai.
 
Thảo Phạm