Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 100 người. Trong đó, có 2 vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể và 1 vụ do ăn nhằm con so biển. Đây được xem là hồi chuông báo động về thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không chỉ ở bếp ăn tập thể mà ở cả các hàng quán, dịch vụ ăn uống.
 
 
Cụ thể, tại quán cơm V. trên đường 30-4, trung bình một ngày gần 200 lượt khách đến ăn. Khu vực trưng bày thức ăn có kệ, tủ trông sạch sẽ, gọn gàng với đầy đủ các món ăn: thịt kho, cá kho, tàu hủ dồn thịt, canh măng, canh khổ qua, canh chua… Thế nhưng, đi sâu vào trong khu vực chế biến thức ăn, diện tích chừng khoảng hơn 9m2, chật hẹp, một số thực phẩm như: rau sống, dưa leo, cà chua thay vì để trên kệ, giá theo quy định thì chủ cơ sở lại để trên nền gạch.
 
Khi được hỏi thì chủ cơ sở giải thích, do mới rửa nên để đỡ chứ thường khi rửa xong di chuyển để lên khu vực trưng bày thức ăn. Một phần do mặt bằng thuê nên chưa dám xây dựng mới khu chế biến, sợ khi chủ nhà lấy lại sẽ lỗ tiền đầu tư.
 
Nói về cơ sở vật chất, các chủ cơ sở dịch vụ ăn uống đều có chung một câu trả lời là “chuẩn bị” hay “đang kêu thợ làm mới”. Đơn cử, tại quán ăn gia đình B.T.B.T nằm gần vòng xoay Phú Khương. Mặc dù cơ sở có đăng ký giết mổ và chế biến thức ăn, có đầu tư hệ thống lọc nước R.O để sử dụng. Nhưng giữa khu vực giết mổ, đồ ăn tươi sống và khu vực chế biến cũng như thức ăn nấu chín chỉ cách nhau một tấm rèm vải trông rất đơn sơ. Chưa kể đến việc nhập các nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu vẫn từ các chợ. Tất cả được lựa chọn dựa vào cảm quan của người mua, chứ chưa chứng minh được nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn.
 
Nhắc lại trường hợp ngộ độc thực phẩm canh cải chua tại Công ty TNHH CN Sigma Việt Nam ở Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã liên hệ công ty để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhưng đến nay, các công ty chưa phối hợp cung cấp đơn vị cung ứng thực phẩm cho công ty để kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.
 
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, hầu hết nhà hàng, quán ăn đều chưa thực hiện việc lưu mẫu thức ăn và thực hiện ba bước tự kiểm tra thực phẩm theo quy định: kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập vào, quá trình sơ chế thức ăn, kiểm tra mẫu thức ăn lưu.
 
Chủ quán cơm H.A trên đường Lê Quý Đôn cho hay, việc lưu mẫu thức ăn và thực hiện ba bước tự kiểm tra thực phẩm theo quy định chưa được thực hiện tại quán. Hàng ngày, có nhiều khách đến ăn, người làm không đủ nên việc lưu mẫu thường xuyên bị bỏ quên.
 
“Ăn bẩn sống lâu”(?!)
 
Bữa ăn hợp vệ sinh là ước muốn của hầu hết những người tiêu dùng. Đặc biệt hơn là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Bởi nơi đây, người lao động không được lựa chọn các món theo khẩu vị hay theo yêu cầu mà thường là “nấu gì ăn đó”.
 
Chị P.T.T - công nhân tại một công ty may mặc ở Châu Thành chia sẻ: “Bữa ăn của công nhân chúng tôi hiện nay rất tệ. Khẩu phần ăn không đủ dinh dưỡng lại không hợp vệ sinh. Từ cái chén, đôi đũa thường khi còn bợn thức ăn. Còn chuyện canh rau, cải xào có tóc là chuyện thường khi xảy ra”.
 
Theo chị P.T.T, có lần đang ăn giữa bữa thì mọi người phát hiện phần ruột cá vẫn còn nguyên, không được làm sạch. Cùng tâm sự, chị L.T.P - công nhân ở cơ sở may tại thị trấn Ba Tri cho hay: “Biết là thức ăn không hợp vệ sinh nhưng công nhân đâu có lựa chọn khác, nếu không ăn thì sẽ không có sức khỏe để làm việc. Đành chấp nhận nấu gì ăn đó. Nhiều công nhân vẫn đùa nhau rằng “ăn bẩn sống lâu””.
 
Thiết nghĩ, việc tổ chức bữa ăn tại các khu công nghiệp là cần thiết và quan trọng. Bởi, nếu không bảo đảm VSATTP sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của công nhân. Hơn hết, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của công ty. “Để đảm bảo năng suất và hiệu quả làm việc của người lao động, hơn ai hết ban giám đốc công ty hãy thật sự quan tâm đến bữa ăn của công nhân. Chính những phần ăn hợp vệ sinh và dinh dưỡng mới có thể cung cấp đủ năng lượng để người lao động chúng tôi có sức khỏe và đạt năng suất lao động”, chị P.T.T mong muốn.
 
Có lẽ, “bài toán” VSATTP không phải chỉ một, hai cá nhân có thể giải đáp mà cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp và từng cơ sở, doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ, cùng hướng đến bữa ăn an toàn cho người lao động nói riêng và người tiêu dùng nói chung.
 
Theo Phan Hân (Báo Đồng Khởi)
.