Để lựa chọn được thực phẩm an toàn vẫn đang là nỗi băn khoăn của người tiêu dùng do lo ngại thực phẩm nhiễm hóa chất khó nhận biết bằng kinh nghiệm

 


Ngoài thị trường, các loại mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, ô mai, rượu, trái cây, các loại thịt cá, rau quả tươi sống, đồ hộp,... với nhiều mẫu mã, xuất xứ đang được bày bán tràn lan. Để lựa chọn được thực phẩm an toàn vẫn đang là nỗi băn khoăn của người tiêu dùng.

Là nội trợ chính trong gia đình, bấy lâu nay khi ra chợ chọn mua thực phẩm, bà Vũ Thị Hiền, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự quan sát của mình, chưa có một tiêu chuẩn nào để nhận biết thực phẩm nào an toàn và không an toàn: “Mắt thường không biết được, mua chỗ nào tin tưởng với tươi sống là mua về cho gia đình ăn cho đảm bảo. Nếu ra chợ không phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, lương tâm của người bán thôi. Chuẩn bị tết đa số mua hàng OCOP như miến, đồ khô mua về sử dụng tết”, bà Hiền nói.

Chị Trần Thị Trang ở phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long cho rằng: “Trước đây, kinh nghiệm của bản thân mình là thực phẩm càng đẹp mắt càng dễ bị lừa, các loại rau, dưa thì chọn loại xấu hơn một tý. Nhưng giờ kinh nghiệm đó cũng không an toàn khi sự nguy hiểm không chỉ từ hóa chất độc hại hay chất bảo quản mà có thể đến từ việc nhiễm khuẩn. Mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường, bảo đảm thực phẩm sạch để người dân yên tâm mua sắm tết”.

Nỗi lo của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 19 người mắc; các lực lượng chức năng đã phát hiện 677 mẫu thực phẩm không đạt vệ sinh an toàn; 3.120 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý 690 vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc... Đó chưa kể đến hàng loạt các loại bệnh nguy hiểm gia tăng mà nguyên nhân xuất phát từ những độc tố tích tụ do dùng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại.

Đề cập đến thực trạng quản lý an toàn thực phẩm, ông Lê Văn Thắng, Phó phòng kinh tế thành phố Hạ Long cho biết: “Công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Các cán bộ công tác quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ là chuyên trách cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Các mô hình kinh doanh trên địa bàn thành phố nói riêng thì nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Để khoanh vùng cũng như phát hiện các thành phần hóa học trong hàng hóa, thuốc bảo vệ thực vật thì trung tâm kiểm nghiệm ở xa các chỉ tiêu xét nghiệm yêu cầu cần thời gian dài dẫn đến khó khăn trong việc quyết định có tạm giữ hoặc tiêu hủy hàng hóa”.

Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân năm 2017, ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quản lý thật chặt đến các đường biên giới, kiểm soát thực phẩm từ các tỉnh bạn vào. Hướng dẫn cho người sản xuất hàng hóa, thực phẩm người ta biết cách để sử dụng các vật tư nông nghiệp như là thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không sử dụng chất cấm. Tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng biết lựa chọn các sản phẩm thực phẩm để tiêu dùng cho an toàn.

Các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra đặc biệt là thanh tra kiểm tra đột xuất. Kiên quyết bắt giữ, tịch thu tiêu hủy tất cả các loại sản phẩm thực phẩm mà không đảm bảo an toàn. Không để lưu thông thực phẩm không đảm bảo an toàn không để lưu thông. Xử phạt thật nghiêm đối với những đối tượng vi phạm”.

Cùng với công tác quản lý, kiểm soát ATTP của các ngành chức năng, thì người dân cũng cần chủ động lựa chọn những sản phẩm có uy tín, chất lượng, không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và đón tết Đinh Dậu an toàn./.
 

Theo Nguyễn Phương/VOV

.