Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Báo cáo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh diễn ra hôm nay (15/4).
Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn
Theo kết quả điều tra, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng, địa phương ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng, chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI.
|
|
Theo báo cáo, có 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. |
Một thông tin quan trọng được báo cáo đề cấp đó là, vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết, họ phải trả các chi phí không chính thức.
Ngoài ra, có 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn và có 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần …
Đặc biệt, khảo sát PCI vừa công bố cho thấy, năm 2020, số doanh nghiệp cho biết đã tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra của một số cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016.
Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc dự án PCI 2020 cho biết, ngay cả những cơ quan thường kiểm tra doanh nghiệp nhất như thuế, an toàn phòng chống cháy nổ cũng có xu hướng giảm tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra. Năm 2016, có 34,4% doanh nghiệp cho biết, phải đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ, năm 2020 chỉ còn 26,1%. Tương tự, năm 2020, tỉ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh, kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 con số này ở mức 43,6%.
Qua những con số này cho thấy, rõ ràng gánh nặng thanh, kiểm tra của doanh nghiệp đã nhẹ bớt. Tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể xuống còn 8,3% năm 2020, từ con số 14,1% của năm 2016. Tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% năm 2016 xuống còn 3% năm 2020. Đáng nói, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết, cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp/chế tạo chịu gánh nặng thanh, kiểm tra tương đối đáng kể. Hai lĩnh vực này cũng là nhóm doanh nghiệp phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức (hơn 5 cuộc/ năm) và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất.
Thanh tra, kiểm tra phải trong phạm vi được giao
Do đó, điều tra PCI 2020 đã nhấn mạnh rằng, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp cần phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo gánh nặng thanh, kiểm tra được giảm thiểu hợp lý và phân bố công bằng.
Hơn nữa, việc thanh, kiểm tra cũng cần thực hiện một cách hợp lý và phù hợp với các mục tiêu về sức khỏe và an toàn cộng đồng, đồng thời, không mang tính tùy tiện hoặc tạo kẽ hở cho tiêu cực.
Chính quyền các tỉnh cần triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan tại địa phương, thậm chí, các cơ quan trung ương khi lên kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng cần thông báo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra tỉnh.
Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra theo kế hoạch nên được thông báo trước cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: Giảm số lần và thời gian thanh tra; không thanh, kiểm tra trùng lặp nội dung giữa các cơ quan, đoàn thanh, kiểm tra và tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ.
"Cần đảm bảo nội dung thanh tra, kiểm tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, theo đúng tinh thần Chỉ thị 20/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng chuyển hẳn sang việc thực hiện công tác thanh, kiểm tra dựa trên cơ sở quản lý rủi ro trong chấp hành pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông, điều quan trọng nhất với các địa phương hiện không chỉ là ban hành chính sách, xây dựng đường lối mà điều quan trọng chính là nâng cao chất lượng thực thi… “ Thường tất cả các chính sách, chương trình hành động đều hay, đều tích cực, đều đúng định hướng. Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay mà doanh nghiệp và nhà đầu tư trông chờ là những chính sách, chương trình đó chuyển được vào cuộc sống, thể hiện qua từng thủ tục thuận lợi, rõ ràng, nhanh chóng, thể hiện qua sự chuyên nghiệp và tinh thần hỗ trợ của các công chức mà nhà đầu tư tiếp xúc.”- ông Tuấn cho hay.
Cùng với đó, khoảng cách giữa chính sách, chủ trương, đường lối và thực tiễn thực thi chính là sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố hiện nay. Nơi nào khoảng cách này gần nhất thì nơi đó thuận lợi. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, ưu tiên hiện nay của các chính quyền là thúc đẩy chất lượng thực thi. Tất nhiên, để có được một văn hoá đồng hành doanh nghiệp, có được một hệ thống hành chính thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp thì cần phải nỗ lực rất nhiều. Từ hành động, thông điệp của những người đứng đầu, từ sự thông suốt tư duy của cả hệ thống chính quyền, chứ không chỉ ban hành một văn bản, một kế hoạch công phu là xong.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều.