Với tổng kinh phí vừa được thành phố phê duyệt là 35,7 tỷ đồng, từ nay đến hết năm 2015, Sở Y tế Hà Nội sẽ phân bổ về các địa phương để tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) tại 176 phường, thị trấn trên địa bàn. Ngành y tế kỳ vọng sau thời gian này, chất lượng dịch vụ thức ăn đường phố của Hà Nội sẽ cải thiện.
Đặt mục tiêu cao
Sở Y tế Hà Nội đã trình và mới đây vừa được UBND TP phê duyệt Đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2013-2015”. Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, theo Đề án này, 100% các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ cùng triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống. Phấn đấu đạt mục tiêu trên 85% cán bộ làm công tác quản lý ATTP, 75% người chế biến dịch vụ ăn uống hiểu và triển khai thực hiện đúng các quy định về ATTP; Trên 75% người tiêu dùng có kiến thức và biết cách lựa chọn cơ sở dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP…
Cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố là đối tượng tham gia dự án bao gồm tất cả các cửa hàng ăn uống, quầy bán hàng kinh doanh thức ăn sẵn, thực phẩm chín tại 176 phường, thị trấn. Mỗi phường, thị trấn sẽ xây dựng 1 tổ giám sát ATTP. Các tổ giám sát này ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, vận động người kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng thực hiện tốt các tiêu chí về đảm bảo ATTT còn phải tăng cường giám sát để phát hiện kịp thời những tồn tại của các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Mỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị kiểm tra định kỳ ít nhất 4 lần trong 1 năm, các cơ sở cố tình vi phạm bị xử lý nghiêm, đồng thời còn bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Hà Nội cũng sẽ thí điểm xây dựng các mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP tại 10 quận nội thành. Trước mắt lựa chọn tuyến phố Quán Thánh (quận Ba Đình) để triển khai thí điểm mô hình này.
Không dễ thay đổi
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng y tế của một số quận, huyện thẳng thắn cho rằng, tổng kinh phí thực hiện đề án 35,7 tỷ đồng là một số tiền lớn, tuy nhiên khi phân bổ cho 176 phường, thị trấn trong 3 năm thì… không thấm tháp gì. Chẳng hạn với số tiền được phân bổ trong năm 2013 là 8 tỷ đồng, nếu đem chia cho 176 phường, thị trấn thì mỗi phường chỉ được khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu được chi cho công tác khám chữa bệnh và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chứ khó có thể đảm bảo triển khai và duy trì đạt 100% số chỉ tiêu mà đề án đặt ra. Đấy là chưa kể quy trình, cơ cấu và thực tiễn phân bổ kinh phí có được triển khai đồng đều, kịp thời hay không…
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, những mục tiêu mà đề án nâng cao chất lượng ATTP dịch vụ ăn uống đường phố đưa ra không mới so với những gì mà công tác này hiện vẫn đang triển khai. Chẳng hạn khi nhìn vào từng mục tiêu cụ thể của đề án, đa số vẫn là các chỉ tiêu về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh dịch vụ, người tiêu dùng, vẫn chủ yếu là kêu gọi… nếu không có các giải pháp đột phá và quyết liệt hơn thì có lẽ sau 3 năm đâu lại vào đấy. Liệu bộ mặt dịch vụ thức ăn đường phố của Hà Nội sau 3 năm nữa có được cải thiện rõ rệt, ông Hoàng Đức Hạnh thừa nhận, điều này không hề dễ. Tuy nhiên ông Hạnh cũng nhấn mạnh rằng, trước đây không có kinh phí chúng ta vẫn thực hiện, nay có thêm khoản kinh phí từ đề án thì phải thực hiện quyết liệt và quyết tâm phải nâng cao được chất lượng ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố của Thủ đô.
Theo An ninh Thủ đô