Trong số 30 mẫu cá không rõ nguồn gốc được Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy kiểm nghiệm, có 13% mẫu bị phát hiện nhiễm kháng sinh và hóa chất bị cấm tại Việt Nam và thế giới.


Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NLTS) khẳng định, những chất này chưa từng bị phát hiện bị sử dụng tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

13% mẫu nhiễm chất cấm

Chiều 8/6, trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, 30 mẫu cá bao gồm 10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá quả (cá lóc), 10 mẫu cá trê được lấy kiểm nghiệm hồi tháng 5/2013 đã có kết quả. Đây là các mẫu được lấy ngẫu nhiên tại một số chợ của Hà Nội và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, Cục Quản lý chất lượng NLTS đã phát hiện 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh NitroFurans. Đây là hai loại chất cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007.

Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da. NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện đang sử dụng cả cho người. Với những thực phẩm nhiễm hóa chất này, ngoài chuyện tích tụ trong cơ thể người gây ra các bệnh nan y còn có thể khiến cơ thể bị nhờn, kháng thuốc khi điều trị một số bệnh.

Với tỷ lệ nhiễm chất cấm là hơn 13%, một con số không hề nhỏ, ông Tiệp cho rằng đây là thông tin cảnh báo, phải tăng cường giám sát, tuy nhiên người tiêu dùng (NTD) cũng không nên quá lo ngại. Lý giải cho điều này, ông Tiệp cho biết, trong nhiều năm gần đây, Cục Quản lý chất lượng NLTS đã triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh với cá nuôi Việt Nam, cụ thể là cá tra, cá quả, cá tầm, rô đồng, rô phi. Chương trình thực hiện trên số lượng mẫu lớn lên tới hàng trăm, hàng nghìn con mỗi loại nên đủ cơ sở để có thể đánh giá độ an toàn của cá nuôi trong nước. Malachite Green và NitroFurans được sử dụng khá phổ biến trước năm 2007 nhưng từ thời điểm bị cấm, tới năm 2010 mới phát hiện tổng số 9 mẫu bị nhiễm. Từ năm 2012 tới nay, Cục đã kiểm nghiệm gần 1.400 mẫu cá quả, 213 mẫu cá tra, 329 mẫu cá khác đều không phát hiện vi phạm. “Với việc kiểm nghiệm hàng trăm, hàng nghìn mẫu cá đều không vi phạm, có thể kết luận cá nuôi tại Việt Nam đang khá an toàn”, ông Tiệp khẳng định.

Chưa truy xuất được nguồn gốc cá nhiễm độc

Như vậy, cá nuôi trong nước khá an toàn thì những mẫu cá được Cục Quản lý chất lượng NLTS mang đi kiểm nghiệm có nguồn gốc từ đâu? Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, khó có thể khẳng định đây là nguồn hàng nhập lậu từ Trung Quốc như báo chí đang phản ánh. Bởi trong quá trình kiểm tra, các thương lái không xuất trình được giấy tờ, nguồn gốc nhưng đều khai báo nhập hàng từ Hưng Yên, Bắc Giang… Việc sử dụng chất cấm trong quá trình vận chuyển, bảo quản tại nội địa cũng được ông Tiệp bác bỏ bởi cả hai chất này đều được sử dụng để trị bệnh trên cá. Tuy nhiên, với số mẫu nhỏ nên ông Tiệp cho rằng, chưa đủ cơ sở kết luận về chất lượng của cá không rõ nguồn gốc mà chỉ được đánh giá là “sự cố” và sẽ tiến hành triển khai để khắc phục sự cố.

Đây không phải là lần đầu tiên, việc sử dụng các hóa chất, chất cấm trên thủy sản bị phát hiện. Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng NLTS, hiện nay, người chăn nuôi và thương lái đang đang bơm thuốc vào tôm để tăng kích cỡ và giá trị, cá tra cũng bị tiêm thuốc ngậm nước khi chế biến… Trước tình trạng này, ông Tiệp khuyến cáo, NTD nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín và hơn hết phải sử dụng “quyền lực” của mình.

“NTD mình dễ tính quá. Họ hoàn toàn có quyền đề nghị người bán cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm và từ chối mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Từ đó hình thành nên thói quen mua hàng mà không phải hoang mang về những sản phẩm kém chất lượng”, ông Tiệp nói.
 
 

Theo Huyền Anh
PNO

.