Tuyến đường sắt Metro 2A (Cát Linh – Hà Đông) là một dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội nằm trong quy hoạch giao thông tổng thể của thành phố đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Sau 4 ngày mở cửa tham quan, tuyến Metro 2A đã đón rất nhiều lượt khách ghé thăm. Ngoài niềm vui chờ đón tuyến đường sắt trên cao đầu tiên thì vẫn còn nhiều lo ngại khiến người dân vẫn chưa thực sự yên tâm.
 
 
Hiện nay, giao thông đang là một vấn đề nhức nhối ở nước ta. Một giải pháp tối ưu nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, đó là xây dựng hệ thống đường sắt trên cao Metro Hà Nội gồm 8 tuyến, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm. Các dự án Metro của Hà Nội được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.
 
Hy vọng sẽ là “bước khởi đầu mới”
 
Được khởi công xây dựng từ 10/10/2011, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 868,04 triệu USD. Toàn tuyến dài 13km đường sắt trên cao; 1,7 km ra vào khu depot; 12 nhà ga. Một đoàn tàu gồm 4 toa, chở được trên 1.200 người, tốc độ tối đa 80 km/giờ. Dự kiến khi đưa vào khai thác, tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ đón khách từ 5 - 23 giờ. Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ.
 
Theo quan sát của phóng viên, nhìn từ bên ngoài thì đây là một mẫu tàu hết sức bắt mắt, với thiết kế nhỏ gọn, phù hợp không gian trên cao. Nội thất toa tàu đơn giản, nhưng rất đẹp và tiện nghi, gồm ghế ngồi và nhiều tay vịn phục vụ hành khách đứng, có hệ thống biển chỉ dẫn rõ ràng; Mái nhà ga sử dụng vật liệu nhẹ, lấy sáng tự nhiên, có khả năng chống gió cao, giảm bức xạ mặt trời, đồng thời giảm trọng tải kết cấu. Nhìn vào bảng lịch trình tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam thành phố, đi qua địa phận ba quận: Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông. Tổng chiều dài tuyến đường hơn 13 km, điểm đầu đặt tại nút giao Cát Linh - Giảng Võ (quận Đống Đa), điểm cuối tại Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
 
Màu sắc và thiết kế nhỏ gọn của tàu rất bắt mắt thu hút người xem.
Màu sắc và thiết kế nhỏ gọn của tàu rất bắt mắt thu hút người xem
 
Chị Trần Thu Hồng - người dân quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi rất phấn khởi và mong chờ chuyến tàu trên cao này vận hành. Điều tôi thích nhất ở đây chính là cách sắp xếp nội thất bên trong rất tiện nghi và hợp lí, nhất là có cầu thang máy, thang cuốn lại còn biển chỉ dẫn đầy đủ không sợ đi lạc. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một bước khởi đầu mới trong tình hình giao thông phức tạp như nước ta hiện nay”.
 
Lắng nghe góp ý của người dân để đảm bảo an toàn
 
Bên cạnh những lời khen vẫn còn có những lo ngại từ phía người dân đó là một số tồn tại trong thi công như kính cường lực của lan can bị nứt, bu-lông còn thiếu hoặc chưa được vặn chặt. Điều đáng lo ngại nhất chính là khe hở giữa tàu và ke ga được thiết kế khá rộng (11cm) đặt ra câu hỏi liệu có đảm bảo an toàn cho khách/lên xuống tàu?
 
Nghi nhận một số ý kiến của người dân, PV đã liên hệ với Ban quản lí dự án để tìm cách giải quyết thắc mắc của người dân thì được biết đoàn tàu trong quá trình di chuyển sẽ có lắc ngang và để tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga trong quá trình di chuyển thì phải bố trí khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu. Đại diện Ban quản lí đường sắt khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của người dân. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh lại theo đúng tiêu chuẩn cho phép khe hở của ke ga từ 80 - 100mm để đảm bảo an toàn cho người dân”.
 
Khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông khiến người dân lo ngại. Ảnh: Ánh Ngân
Khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông khiến người dân lo ngại. Ảnh: Ánh Ngân
 
Ông Đỗ Thành Dũng cùng tham quan với vợ của mình cho biết: “Tuy là rất đẹp nhưng cái tôi quan tâm ở đây chính là chất lượng có đạt hiệu quả hay không, vẫn phải chờ chạy thử mới biết. Bản thân tôi vẫn đang còn nhiều lo lắng khi tàu vận hành. Nếu nó vận hành tốt thì không sao, còn nếu có trục trặc gì thì có phải là lại mất thêm thời gian sửa chữa và liệu rằng còn ai tin tưởng để đi trên con tàu này không. Đó mới chính là vấn đề người dân quan tâm đến”.
 
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử từ tháng 10/2017, với thời gian chạy thử kéo dài 3 - 6 tháng. Dự kiến cuối quý I, đầu quý II/2018 sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Hy vọng đây sẽ là một bước tiến mới mang tính chiến lược, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội như hiện nay.
 
Theo Văn Thế/ baoxaydung.com.vn.