UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến đầu năm 2024 sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I, thuộc dự án nhóm A.

Điểm đáng lưu ý, tại Quyết định phê duyệt này, đoạn cửa khẩu Tân Thanh với cửa khẩu Cốc Nam được gộp vào dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Như vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc này khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km và tuyến cửa khẩu Tân Thanh kết nối với cửa khẩu Cốc Nam dài 16,44km.

Đoạn tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc Vtk=100km/h; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam thiết kế với vận tốc Vtk=80km/h.

leftcenterrightdel
 Cao tốc lên Lạng Sơn, Cao Bằng sắp được thông suốt (ảnh minh họa).

Về độ rộng, tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, nền đường 22m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Dự án sẽ xây tổng cộng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm thu phí đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm thu phí đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng. Ngoài ra, dự án được phê duyệt có 6 nút giao, 1 cầu vượt, 68 hầm chui dân sinh và 39 công trình cầu trên tuyến chính.

Công trình phục vụ khai thác sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS). Cụ thể, thiết kế hệ thống ITS cho giai đoạn phân kỳ bao gồm các hạng mục: hệ thống camera giám sát; hệ thống phát hiện xe; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống biển báo thông tin điện tử; hệ thống truyền dẫn; trung tâm quản lý điều hành giao thông tại Nút giao IC-03 đáp ứng cho việc vận hành, khai thác đường cao tốc theo quy định.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 640,28 ha, trong đó địa phận huyện Chi Lăng khoảng 166,47 ha, địa phận huyện Cao Lộc khoảng 297,55 ha; địa phận huyện Văn Lãng khoảng 69,83 ha; địa phận thành phố Lạng Sơn khoảng 106,43 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 11.179 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Vốn nhà đầu tư khoảng 6.179 tỉ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư). Vốn nhà nước khoảng 5.000 tỉ đồng (chiếm 44,73%), trong đó vốn ngân sách trung ương 2.500 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỉ đồng.

Đáng chú ý, vốn để hỗ trợ xây dựng công trình tạm, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 3.272 tỉ đồng. Vốn chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.728 tỉ đồng, được tách thành các tiểu dự án riêng, do UBND các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức thực hiện. Hai loại vốn này giá trị vốn nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 44,73% tổng mức đầu tư…

Dự án cũng được phê duyệt năm cơ sở 2026 mức giá vé 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần. Thời gian thu phí, hoàn vốn khoảng 29 năm 6 tháng.

Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn; Nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Dự kiến, dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước không sơ tuyển. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến từ Quý I/2024.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án; đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung; từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030.

Tuyến đường hoàn thành sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á; góp phần liên kết, phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Minh Khôi