Trong quá trình thi công cao tốc, nhà thầu đã "mượn" hàng chục tuyến đường dân sinh, tỉnh lộ để chở vật liệu. Do đường nhỏ, kết cấu yếu nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tuyến không chịu được xe tải trọng lớn đã xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng; thậm chí nhiều tuyến lâm vào tình trạng nát bét, nham nhở. Thời điểm thi công do đường hỏng lại gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc nên đã nhiều lần mang các vật dụng ra chặn đường, không cho các phương tiện chở vật liệu thi công.

leftcenterrightdel
 Những ổ voi, ổ trâu như những con mương nằm ngay giữa lòng đường.

Theo đó, Dự án cao tốc Bắc Nam (qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) có chiều dài khoảng 100km, điểm đầu từ hầm chui Tam Điệp (Ninh Bình) tới hầm Trường Vinh (xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Dự án đi qua 8 huyện, thị xã của tỉnh, gồm: huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn.

Trong số các huyện, thị kể trên thì Nông Cống là địa phương có nhiều tuyến đường dân sinh, tỉnh lộ, nhà dân bị ảnh hưởng và hư hỏng nhất.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tuyến tỉnh lộ qua địa bàn xã Thăng Thọ, Thăng Long, Công Liêm (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), rất nhiều đoạn mặt đường bị biến dạng, thậm chí vỡ ra từng mảng lớn, tạo ra chi chít những ổ voi, ổ trâu. Trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bẩn; khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Nhiều đoạn đường nát bét trên địa phận xã Công Liêm, Thăng Long.

Bà Dư Thị Hoa, trú tại thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ (huyện Nông Cống) bức xúc: "Xe chở vật liệu cho cao tốc làm hỏng hết đường, mương rồi, dân khổ lắm. Tuyến đường này trước kia được thảm nhựa phẳng lì nhưng giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trời nắng thì bụi mù mịt, dọc hai bên đường không nhà nào dám mở cửa, thậm chí không buôn bán được gì nữa. Lúc trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, trẻ con đi học ngã suốt. Bà con nơi đây mong mỏi các cơ quan chức năng sớm hoàn trả đường để chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi chịu khổ lâu rồi, thấy xã bảo đợi mà ko biết đợi tới lúc nào”.

Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại xã  Minh Khôi, giáo viên trường THPT Nông Cống 3 chia sẻ: Từ ngày làm đường cao tốc, xe cộ đi lại nhiều, giờ đường nát bét, khó đi lắm. Mưa thì lầy lội như cái ao, nắng thì bụi bẩn. Gia đình tôi mới mua được chiếc xe ô tô đi lại cho đỡ vất vả; nhưng hàng ngày phải "đánh vật" trên tuyến đường này chả mấy mà hỏng. Nhiều hôm xót xe, tôi phải đi xe máy, mặc dù nhà cách trường khá xa.

leftcenterrightdel
 Bà con cho biết, trẻ con đi học thường xuyên bị ngã trên những tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng.

Tình trạng này không chỉ tồn tại ở những xã trên, theo thống kê mới nhất của UBND huyện Nông Cống cho thấy, tại rất nhiều xã của địa phương này như: Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính, Trung Thành, Tế Thắng, Tế Lợi, Minh Nghĩa, Thăng Bình, Vạn Thiện, Yên Mỹ…, nhiều công trình như đường liên thôn, liên xã, tỉnh lộ, cầu cống, hệ thống thủy lợi… bị hư hỏng và ảnh hưởng.

Theo ông Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã mượn khoảng 36 km tỉnh lộ của địa phương để phục vụ thi công cao tốc. Thời gian qua, đơn vị thi công và tỉnh Thanh Hóa cùng huyện Nông Cống đang thực hiện sửa chữa, hoàn trả 3 tuyến đường (505, 512, 505B). Một số tuyến còn lại (đặc biệt là tuyến 525), địa phương đang báo cáo tỉnh bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp trong thời gian sớm nhất. 

Không chỉ hỏng đường, trong quá trình thi công tuyến cao tốc, nhiều nhà cửa, tường rào, kiến trúc của người dân ở địa bàn các xã trên cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng. Cụ thể, có tổng số 210 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 40 hộ ở dọc tuyến chính và 170 hộ ở các tuyến đường chở vật liệu thi công cao tốc.

Tại xã Vạn Thiện (huyện Nông Cống), hàng trăm hộ dân đã có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc nhà rạn nứt, đổ tường rào, sụt lún. Đơn cử như: nhà chị Nguyễn Thị Tâm, xảy ra tình trạng nứt toác khắp nơi, có những vết nứt rất lớn. Chị Tâm cho hay: Trong quá trình thi công cao tốc, xe cộ chạy ầm ầm suốt ngày đêm, dẫn đến tình trạng rung lắc mạnh khiến nhà chị bị nứt nặng nề. Gia đình rất lo lắng khi nhiều vết nứt đang to dần. Chị đã làm đơn xuống xã nhưng chưa được giải quyết.

leftcenterrightdel
 Nhà chị Nguyễn Thị Tâm (xã Vạn Thiện) xảy ra tình trạng nứt toác khắp nơi, có những vết nứt rất lớn.

Trước tình hình đó, UBND huyện Nông Cống đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa; đề nghị đến Ban QLDA 2 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) chỉ đạo các nhà thầu thi công nhanh chóng khắc phục, hoàn trả các công trình bị hư hỏng tại các xã, nhằm đảm bảo đi lại, ổn định đời sống sinh hoạt cho người dân.

leftcenterrightdel
Chị Tâm lo lắng khi những vết nứt nhà mình ngày càng mở rộng. 

Trước đó, sáng 7/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV; trong phần chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho biết, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, tuy nhiên, hệ lụy để lại cũng không phải là nhỏ.

"Tôi ví dụ dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 qua Thanh Hóa dài 49,2 km. Nhưng sau 3 năm thi công đã làm hư hỏng 92,7 km đường dân sinh, ảnh hưởng tới người dân rất lớn. Địa phương phản ánh tới các Ban quản lý của Bộ GTVT, các nhà thầu nhưng không xử lý được", ông Hùng nói.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thanh Hóa làm rõ việc này và có văn bản giải trình về phản ánh của đại biểu Vũ Xuân Hùng; yêu cầu Thanh Hóa báo cáo trực tiếp, có hay không việc thi công đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - QL45 dài gần 50 km đã làm hư hỏng gần 100 km đường dân sinh, và làm ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân như phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. 

Đinh Huê