Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, nguyên nhân trước hết tại thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga-Ukraine thì nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu hỏa và dầu diesel tăng, nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt, dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, nằm ở mức tương đương hoặc cao hơn so với giá xăng.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 6/9

Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng tăng vào mùa lạnh, mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dầu khi giá năng lượng tăng cao thì giá dầu đã tăng khá mạnh và cao hơn nhiều so với giá xăng. Hiện nay, trên thế giới, bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Còn ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng và dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh cũng rất khác nhau.

Thực tế cho thấy, nhu cầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn tăng cao hơn so với giá dầu.

Tuy nhiên, ở kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua (ngày 5/9), giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30-35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng. Chúng tôi rất chia sẻ với những đối tượng sử dụng dầu, chủ yếu là dầu diesel, đặc biệt trong ngành vận tải và ngư dân đánh bắt cá.

“Đối với việc chi gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng và khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít dầu. Nhưng chúng ta hiểu như này là chưa đúng. Trong mọi trường hợp, chi bao nhiêu sẽ có con số và bộ máy kiểm tra, kiểm soát.”- ông Hải nói.

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, về việc liệu có gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp hay không, hiện nay công tác điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công thương - Tài chính phối hợp rất chặt chẽ và Việt Nam là 1 trong những nước được đánh giá là bảo đảm được nguồn cung năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu tương đối tốt.

Về quỹ bình ổn xăng dầu, đây rõ ràng gọi là quỹ thì khi cần chúng ta trích và chi nhưng quan trọng là trích lúc nào và chi lúc nào. Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1/2022 đến kỳ ngày 21/4/2022, sau đó 5 kỳ liên tục từ 1/4/2022 đến 21/6/2022 đều bình ổn giá xăng dầu trong nước, vì khi đó, tăng liên tục, chúng ta phải chi liên tục, theo giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng, dầu thế giới. Ở đây là giao dịch trên thị trường Singapore là biến động từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành 22/8 vừa qua, chỉ tăng từ 1,14% đến 40,37%. Đấy là cái lợi của quỹ. Nhưng nếu giảm thì chúng ta lại trích 1 phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn.

“Một điều hết sức quan trọng ở Việt Nam, nếu giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng, nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại chưa giảm. Chính vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đang hết sức giải quyết các vấn đề này. Đấy là tác dụng của quỹ bình ổn. Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước và toàn bộ trích lập tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng.”- ông Hải cho biết thêm.

 

Nguyễn Anh