Không bù đủ chi phí chăm sóc

Ớt là một trong những cây trồng chủ lực vụ Đông Xuân của các vùng trồng hoa màu ở Đại Lộc. Dựa theo nhu cầu thị trường Trung Quốc chuộng loại ớt Ấn Độ màu quả đẹp, vị rất cay nên nông dân đầu tư vốn, công sức với quy mô lớn. Người dân chuyên canh chỉ trông chờ nguồn thu nhập chính là cây ớt, nay ớt rớt giá người dân rơi vào tình thế dở khóc dở cười.

Qua ghi nhận của PV, tại một số ruộng ớt ở khu vực Đại Lộc thì giá ớt hiện nay chỉ đạt 6,5 nghìn đồng/kg, giảm 4 lần so với cùng kỳ các năm trước. Thời điểm này năm ngoái, giá ớt giao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Hiện đang vào mùa thu hoạch đại trà, dù trên những cánh đồng ớt đã chín đỏ rộ, người nông dân vẫn không mặn mà với công việc thu hoạch bởi giá quá thấp. Tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng chỉ đủ bù tiền công hái chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống...

leftcenterrightdel

Các tiểu thương trực tiếp tới ruộng ớt để thu mua.

 Ông Phạm Văn Tình (khối 8, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) cho biết: “Nhà tôi trồng được ba sào, năm nay thời tiết thuận lợi, ớt được mùa nhưng lại mất giá. Trừ mọi chi phí phân bón, tiền giống ra thì cũng không có đồng dư. Ớt tươi phải có giá 10 -12 nghìn đồng/kg thì người dân chúng tôi mới có ít đồng bỏ túi”.

Nhiều hộ gia đình trồng ớt lao đao trước thực trạng được mùa nhưng rớt giá. Mặc dù rớt giá nhưng nếu không thu hoạch sớm thì sẽ chín rũ và hư hỏng hết, thôi đành “lấy công làm lãi” hi vọng vớt vát được chút ít vốn liếng bỏ ra.

Nhìn ruộng ớt đang độ chín đỏ, bà Huỳnh Thị Trinh (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) trầm ngâm nói: “1 ha ớt, mình phải đầu tư chi phí từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch gần 30 triệu đồng. Nếu giá trung bình 20 ngàn đồng/kg, mình cũng có lãi gần 10 triệu đồng. Cứ nghĩ năm ngoái giá ớt cao, lại đắt hàng nên năm nay vợ chồng tôi chuyển hết diện tích đất trồng ngô, lạc năng suất thấp sang trồng ớt, ai ngờ giá ớt giảm mạnh nên không có lãi, thậm chí thua lỗ. Mất giá đã đành, các tiểu thương cũng không mua ồ ạt như năm trước, mà chỉ mua cầm chừng. Giá thế này giờ chỉ mong lấy lại được vốn, sang năm chắc gia đình tôi không dám trồng nữa”, vừa đưa tay gạt vội những giọt nước mắt bà Trinh vừa tâm sự.

leftcenterrightdel
 Các cánh đồng ớt đã chín rộ nhưng đầu ra vẫn cầm chừng. 

Ớt vào vụ, chín đỏ cả đồng, người dân đứng trước hai sự lựa chọn. Một là để ớt chín hái phơi khô hoặc hái tươi bán. Tuy nhiên ớt tươi dễ bán hơn, vì ớt phơi khô sẽ mất công mà lại bị mất màu không còn nữa vì thế đã rớt giá nhiều hộ gia đình có diện tích lớn lại còn phải thuê nhân công hái, chi phí một ngày cũng 120 nghìn đồng/người.

Thương lái cũng khốn khổ

Không chỉ người nông dân chịu lỗ mà cả những thương lái thu mua ớt cũng khốn khổ vì giá ớt xuống quá thấp. Hầu hết thương lái thu mua ớt trên địa bàn chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng thị trường ở Trung Quốc hiện nay đang có nhiều biến động, nên ớt bị ngưng trệ.

Bà Phạm Hoa (thương lái ở xã Đại Lộc) là người có nhiều năm trong nghề buôn cho hay: “Những năm trước, giá ớt đầu mùa đắt như tôm tươi, đỉnh điểm có lúc tới 40 nghìn đồng/kg, hàng gom không kịp. Năm nay, bên Trung Quốc họ không chuộng loại ớt này nữa, mà giá cả, đầu ra đều phụ thuộc phía đó, tôi chỉ là trung gian, muốn mua giá cao cho dân nhưng chịu thôi”.

leftcenterrightdel
 Hiện đang vào vụ ớt đông xuân, ớt rớt giá nhưng người dân vẫn phải thu hái mong vớt vát được phần nào.

Dọc các trục đường, nhiều chủ buôn đã lập điểm thu mua ớt để đóng kiện, đưa đi tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ thu mua chỉ cầm chừng, chẳng ai dám làm liều, nếu may mắn bán được thì không sao, chứ không xuất được thì tiểu thương cũng điêu đứng không kém gì nông dân.

“Kiếm được đồng tiền không dễ dàng gì, dân cứ kêu chúng tôi ép giá thế này thế kia. Đúng là có sự chênh lệch giữa bên mua này với bên kia, là tùy theo từng tiểu thương lấy lãi bao nhiêu. Ớt mất giá, không có thị trường buôn bán có dễ dàng gì đâu, thu mua về phải bỏ sức gia công lại, chưa kể đến hàng hỏng kém chất lượng loại ra, sau đó chở qua cửa khẩu, họ nhận luôn thì được, chứ ngâm hàng cả tuần cũng phải chịu thôi. Thế mà dân có hiểu cho đâu”, tiểu thương Hoàng Thị Thắm chia sẻ.

Ngay lúc này, tiểu thương lẫn người dân không mong gì hơn một phép màu để những ngày tới giá ớt sẽ nhích dần lên, để những ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chăm bón cho từng gốc ớt không uổng công, để họ còn có động lực hy vọng cho những vụ mùa sau…

Ngọc Huyền – Lê Tâm