Trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng đang phải đương đầu với nạn hàng giả về chất lượng không có tính năng, công dụng, như in trên bao bì sản phẩm và nạn hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).


Khó phân biệt

Hàng giả, hàng nhái xuất xứ từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước. Điểm đáng lưu ý nhất về hàng giả, hàng nhái là khâu bảo hành. Thường NTD khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái thì không được bảo hành, chất lượng hàng hóa không ổn định và đa phần không được hướng dẫn sử dụng chi tiết từ đơn vị bán.

Một chuyên viên phụ trách Văn phòng Xử lý Khiếu nại người tiêu dùng AFCA cho biết: hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có xu hướng làm giống hàng thật nên NTD thường khó phát hiện, hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi nên càng khó phân biệt hơn. Bao bì sản phẩm hàng giả, hàng nhái luôn thay đổi, theo sát mẫu hàng thật để gây nhầm lẫn cho NTD.

Ở mỗi thời điểm nhất định, đối với mỗi mặt hàng có dấu hiệu phân biệt thật - giả riêng biệt, nhưng các dấu hiệu này luôn được nhà sản xuất thay đổi. Vì vậy, khó có thể nắm bắt được đầy đủ dấu hiệu phân biệt hàng thật với hàng giả lưu thông trên thị trường. Theo kinh nghiệm, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khi có mẫu so sánh thì hàng giả thường có bao bì in không rõ, không đầy đủ, đặc biệt chữ in có thể có lỗi chính tả. Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm mà giữa hàng thật và hàng giả mắt thường không phân biệt được.

Ngoài ra, có một lý do khiến NTD không phân biệt được hàng thật - giả, đó là thông thường mọi người không có đồng thời mẫu hàng thật trong tay khi mua hàng. Nếu so sánh về giá thì hàng giả sẽ rẻ hơn hàng thật. Trên thực tế hàng giả các sản phẩm giải trí như băng đĩa, sản phẩm thời trang, có giá bán rẻ hơn hàng thật hàng chục lần.

Người tiêu dùng cần phải làm gì?

Người tiêu dùng nên mua hàng hóa ở những địa điểm, cửa hàng tin cậy đã được thẩm định.

Khi mua nhầm hàng giả - hàng nhái, NTD nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền, bồi thường, đồng thời thực hiện trách nhiệm công dân nên thông báo cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất. Trường hợp người bán hàng không đổi hàng, không bồi thường hay không hoàn trả tiền thỏa đáng, NTD nên làm đơn tố cáo đồng thời chuyển toàn bộ tang vật và chứng từ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, khi mua hàng hóa, NTD nên đọc kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa và luôn luôn yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn mua hàng trên đó có ghi rõ tên, địa chỉ người bán hàng.


Theo Đời sống & Tiêu dùng

.