Thiếu hơn 8 tỉ kWh điện mỗi năm

Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo nhu cầu điện toàn quốc tăng trưởng bình quân khoảng 8,5%/năm. Theo báo cáo của Bộ Công thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỉ kWh điện, đến năm 2025 cần 352 tỉ kWh và đến năm 2035 là 506 tỉ kWh điện.

Để đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng cao như vậy, cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn điện vào năm 2020 và 130.000 MW năm 2030. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành Năng lượng Việt Nam.

Từ năng lực sản xuất điện trong nước, giai đoạn này, theo tính toán cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 8 tỉ kWh mỗi năm.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh, trong đó năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh, năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh,  năm 2024 thiếu 6,4 tỷ kWh, năm 2025 khi thiếu 1,9 tỷ kWh. Đặc biệt, năm 2023 sẽ thiếu tới 15 tỷ kWh.

leftcenterrightdel
Điện mặt trời áp mái, một xu hướng đang phát triển mạnh tại các hộ gia đình ở Việt Nam. Ảnh: ZSVSolar. 

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện là do nhiều dự án điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, trong đó nhiều dự án trọng điểm chậm từ 2-5 năm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn sản xuất điện năng chủ lực là nhiệt điện và thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.

Việc cung ứng than cho phát điện có xu hướng ngày càng khó khăn do nguồn dần cạn kiệt, trong khi nguồn khí trong nước đã suy giảm và điện năng lượng tái tạo cũng trở ngại do việc đầu tư hệ thống truyền tải, giải tỏa công suất điện bất cập. Để đảm bảo cho phát điện, EVN đã phải huy động nguồn chạy dầu với giá thành đắt đỏ, vào khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh.

Tiết kiện điện, giải pháp thiết thực, lâu dài!

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt, Bộ Công thương cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tiến độ các dự án điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào với tổng công suất khoảng 4.000 MW trong giai đoạn tới, cũng như huy động nguồn nhiệt điện than. Mặt khác, sẽ vẫn phải sử dụng 3,4-6 tỷ kWh điện chạy dầu.

leftcenterrightdel
Sử dụng thiết bị điện và bóng đèn tiết kiệm điện là một trong những cách thức giúp giảm lượng điện sinh hoạt tiêu thụ trong mỗi gia đình. Ảnh: VNEEP.

Theo Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, song song với việc thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý vẫn là giải pháp thiết thực, hiệu quả, không những giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, còn bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi. Trung bình, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỉ kWh mỗi năm, tương đương 15.000 tỉ đồng.

Ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 280/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, mục tiêu tiết kiệm 8-10% lượng điện tiêu thụ, tương đương 60 triệu tấn dầu quy đổi.

Để chương trình VNEEP hiệu quả, đạt các mục tiêu đặt ra, cùng với những giải pháp có tính vĩ mô của các cấp, ngành, địa phương trên cả nước, rất cần ý thức trách nhiệm và sự chung tay chủ động, tích cực của mỗi công dân, mỗi gia đình.

Văn Nguyễn