Dịch COVID-19 tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng COVID-19 lần thứ nhất khi lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm sau 23 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đời sống người dân ảnh hưởng vì mất việc làm, các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất nặng nề… Trong đó, ngành ảnh hưởng rất lớn là lĩnh vực du lịch - ngành chiếm tỉ trọng 64% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Ngay sau đó, khi đang trên đà hồi phục sau ba tháng “đóng băng”, khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào cao điểm hè, Đà Nẵng trở thành tâm dịch, du lịch Đà Nẵng lại gặp vô vàn khó khăn.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố về phòng chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội. Từ 28/7, các phương tiện vận chuyển tạm dừng đến Đà Nẵng. Toàn bộ các doanh nghiệp du lịch gồm 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh.

100% các tour du lịch đến Đà Nẵng bị hủy bỏ, ngành du lịch phải “giải tỏa” 8 vạn du khách khỏi Đà Nẵng. Các doanh nghiệp lữ hành cũng chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Năm ngoái, doanh thu của Công ty Vietnam TravelMart là khoảng 450 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay doanh thu dự kiến chỉ từ 80 – 90 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Từ 28/7, các phương tiện vận chuyển tạm dừng đến Đà Nẵng. Toàn bộ các doanh nghiệp du lịch gồm 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh.

“Trong đợt bùng phát dịch đợt 1, Vietnam TravelMart chịu thiệt hại khoảng 50%, khi dịch bùng phát trở lại, thiệt hại khoảng 30% . Tổng thiệt hại cả 2 đợt dịch là khoảng 80% doanh thu”, đại diện Vietnam TravelMart cho hay.

Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động….

Sở Du lịch cũng thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” - Đây là Lễ hội được nâng cấp từ sự kiện thường niên “Điểm hẹn mùa hè” theo hướng tăng quy mô trở thành sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc. Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 31/7-5/8/2020 nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để thu hút du khách, tạo hoạt động kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch thành phố. Tuy nhiên đo ảnh hưởng của dịch, toàn bộ số chuyến bay với tuần suất trung bình 90-120 chuyến/1 ngày trong dịp này đã tạm dừng, các cơ sở lưu trú du lịch đã giới thiệu đến với khách chương trình có lượng đặt phòng và dịch vụ tour trong dịp này rất tốt đã bị tác động. Hoạt động du lịch du lịch đối diện với khó khăn chồng chất…

Theo báo cáo của Cục thống kê TP Đà Nẵng, trong tháng 8/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 434 tỷ đồng, giảm 75,7% so với tháng trước và chỉ bằng 23,3% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 15,4 tỷ đồng, giảm 96,8% so với tháng trước và chỉ bằng 2,3  so với cùng kỳ.

Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 9.136 tỉ đồng, bằng 68,3% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú đạt gần 2.444 tỉ đồng (bằng 52,5% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, trong tháng 8, tất cả các tour du lịch đều bị hủy, các công ty lữ hành tạm dừng hoạt động, vì vậy doanh thu du lịch lữ hành bằng 0. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu lữ hành ước đạt 557 tỉ đồng, giảm 63,6% so cùng kỳ.

Từ cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng, tổng số lao động phi tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8/2020 đến nay ước khoảng 31.874 người/ 50.963 người, chiếm 62.5% tổng số lao động.

leftcenterrightdel
 Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, 100% các tour du lịch đến Đà Nẵng bị hủy bỏ, ngành du lịch phải “giải tỏa” 8 vạn du khách khỏi Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Minh - Tổng Giám đốc khách sạn 4 sao Seven Sea (đường biển Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết,  khách sạn Seven Sea nằm ở vị trí đường biển nên được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách Trung Quốc và Nhật Bản. Với quy mô 135 phòng, bình quân, mùa thấp điểm nhất, doanh thu của khách sạn ít nhất cũng được 3,1 tỉ đồng.

“Năm 2020, chỉ tiêu doanh thu mà khách sạn đề ra là 39 tỉ đồng.  Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cả 2 đợt dịch COVID – 19, doanh thu 8 tháng đầu năm còn chưa đến 2,2 tỉ đồng, thấp hơn cả doanh thu bình thường của 1 tháng thấp điểm”, ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, khách sạn có 135 nhân viên, hiện đang được cho nghỉ không lương. “Giai đoạn đầu, chủ khách sạn còn hỗ trợ nhân viên lương cơ bản, tuy nhiên, duy trì đến tháng thứ 3 thì không chịu được nữa. Những nhân viên thuộc diện có BHXH thì khách sạn giải quyết bảo hiểm thất nghiệp để các bạn nhận hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỉ của Chính phủ”, ông Minh nói.

Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Trước tình hình ảnh hưởng dịch một số cơ sở lưu trú cũng đã phải thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ vì thua lỗ. Theo thông tin sơ bộ, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 250-260 khách sạn/ căn hộ/ biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24.7% tổng số khách sạn (1080 khách sạn).

“Mất trắng có lẽ là từ thích hợp để để nói về ngành khách sạn nói riêng và du lịch Đà Nẵng trong năm 2020”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, từ 0h ngày 28/7, Sở Du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các bên liên quan đưa 35.000 du khách rời Đà Nẵng mỗi ngày.  Trong tháng 8, hoạt động lưu trú chủ yếu phục vụ một số ít khách nước ngoài còn lưu lại trong các khách sạn từ nhiều tháng nay (ước chừng 173 lượt khách).

“Dự kiến cả năm 2020, thành phố chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 686 ngàn lượt, giảm 80,5% so với năm 2019. Khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Ước tính thiệt hại của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng là khoảng 80 – 85% so với doanh thu năm 2019. Với kịch bản lạc quan nhất, Đà Nẵng cũng khó có thể phục hồi các dịch vụ trong năm 2020”, ông Dũng hy vọng.

So với dịch bệnh lần trước, doanh nghiệp du lịch đã khó còn khó gấp nhiều lần. Với diễn biến hiện nay, khi tình hình dịch bệnh được ổn định cũng là lúc cả nước bước vào mùa thấp điểm du lịch nội địa, ngành du lịch Đà Nẵng chắc chắn ảnh hưởng tới hết năm và cả sang năm 2021.

Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng đưa ra 4 đề xuất để “cứu” doanh nghiệp du lịch vào thời điểm này, đó là: giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch ít nhất đến hết năm 2020. Tiếp tục áp dụng các chính sách giảm chi phí điện nước (đã dừng từ ngày 30/6) đến hết năm. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, khoang nợ, tại điều kiện các khoản vay mới.

“Ngoài ra, Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ, như trong đợt dịch lần 1, gần như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến năm 2021”, ông Dũng cho hay.

Trong thời gian đến, ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kì khó khăn, Sở Du lịch cũng sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá trên các kênh truyền thông của Sở Du lịch, phối hợp doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao....để quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch trong nước, quốc tế...

Lê Tâm