Hành trình nửa thế kỷ đòi nhà hợp pháp…
Như Bảo vệ pháp luật ngày 27/11 đã phản ánh, “Chuyện kỳ lạ ở Thường Tín (Hà Nội): Hơn nửa thế kỷ đi đòi nhà hợp pháp của mình”, đó là câu chuyện của gia đình ông Đỗ Văn Hòa, người được thừa kế 150m2 đất tại thửa số 2413, tờ bản đồ số 10 xóm lẻ, làng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tổng Hà Đông (nay là thửa đất số 230, tờ bản đồ số 3, số nhà 82, xóm Phạm Hồng Thái, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Tài sản trên đất gồm có ngôi nhà cổ lợp ngói 5 gian và căn nhà gác 2 tầng được xây dựng từ năm 1924.
Do nhầm lẫn khi áp dụng chế độ quản lý tài sản của người đi Nam, ngày 26/11/1974, UBND xã Hà Hồi đã tạm giao nhà đất nói trên cho bà Đỗ Thị Mão trông nom bảo quản. Khi bà Mão mất, ông Hạnh là con trai đã tiếp tục sử dụng cho đến nay.
Vì vậy, hơn nửa thế kỷ qua gia đình ông Hòa đã liên tục gửi đơn đến các cấp chính quyền để đề nghị giải quyết đòi lại nhà đất nói trên. Mặc dù, đã được các cấp chính quyền ban hành nhiều quyết định, yêu cầu gia đình ông Hạnh trả đất và nhà cho gia đình ông Hòa.
Cụ thể: Ngày 19/4/1993 Thanh tra tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã có Công văn số 120CV/TTr nêu rõ về việc trả lời đơn khiếu nại của công dân. Theo đó, ông Đỗ Văn Hòa là người thừa kế hợp pháp thửa đất và khối tài sản.
Nội dung công văn đã khẳng định: “UBND huyện Thường Tín đã thống nhất với Thanh tra tỉnh Hà Tây (cũ) trả lại ngôi nhà xã Hạ Hồi đang quản lý, trả cho bà Nguyễn Thị Chắt (bà Chắt là mẹ đẻ ông Hòa – người được thừa kế).
Sau đó, ngày 15/10/1993, UBND huyện Thường Tín có Văn bản số 71/TB-UN nêu rõ thửa đất số 2413 có diện tích 150m2 và tài sản là ngôi nhà ngói cổ 5 gian và căn nhà gác 2 tầng, do UBND xã Hà Hồi nhầm lẫn tài sản của người chết với đất vắng chủ của người đi Nam. Căn cứ chính sách hiện hành cho thấy khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Đỗ Văn Hòa. Do vậy, UBND huyện Thường Tín yêu cầu UBND xã Hà Hồi thu hồi và trả lại cho gia đình ông Hòa.
Đến ngày 25/12/1993, UBND xã Hà Hồi đã ra Quyết định số 25/QĐ-UB về việc thu lại nhà ông Đỗ Văn Hạnh (còn gọi là Đỗ Đức Hạnh là con bà Đỗ Thị Mão) đang ở do UBND xã Hà Hồi tạm giao trông nom, bảo quản năm 1974. Tại Quyết định này, UBND xã Hà Hồi đã yêu cầu ông Hạnh trong thời gian 3 tháng (từ ngày 1/1 đến 31/3/1994), có trách nhiệm trả lại đất và nhà đang ở cho UBND xã để bàn giao cho gia đình ông Hòa là người đại diện, nhận khối tài sản đó.
|
|
Căn nhà 5 tầng đang hoàn thiện của gia đình ông Hạnh được xây dựng trái phép trên diện tích 150m2 đất, đã phá hủy căn nhà cổ mà gia đình ông Hậu đang đòi UBND xã Hà Hồi trả lại. |
Tuy nhiên, gia đình ông Hạnh đã cố tình không chấp hành việc trả lại đất và khối tài sản trên. Do vậy, ngày 6/8/1994 UBND huyện Thường Tín tiếp tục có Công văn số 99/CV-UB về việc xử lý thu hồi khối tài sản để giao cho gia đình ông Hòa. Việc đòi lại nhà chưa xong thì năm 2004, ông Hòa ốm chết. Gia đình đã ủy quyền cho cháu ruột là ông Đỗ Quang Hậu (SN 1958, ở 83 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội), là người được toàn quyền thay mặt gia đình để tiếp tục đòi đất và tài sản nêu trên để làm nơi thờ tự.
Coi thường pháp luật?
Xung quanh vụ việc này, nhiều các cơ quan báo chí và truyền hình thời gian qua đã liên tục phản ánh những hành vi coi thường pháp luật của gia đình ông Hạnh. Mặc dù, thửa đất và khối tài sản đã được các cấp chính quyền qua các thời kỳ làm rõ và yêu cầu gia đình ông Hạnh trả lại cho gia đình ông Hòa.
Tuy nhiên, bất chấp mọi quy định và yêu cầu của chính quyền đưa ra, gia đình ông Hạnh vẫn cố tình không trả lại đất và tài sản, mà còn phá hủy, tẩu tán tài sản của những ngôi nhà cổ có giá trị văn hóa này, để xây dựng vào đó ngôi nhà 5 tầng kiên cố trái phép như thách thức sự nghiêm minh của pháp luật, gây bức xúc dư luận.
Vào ngày 21/7/2020, gia đình ông Hạnh đã tự ý phá hủy toàn bộ các công trình cũ trên đất đang chiếm đoạt, rồi phá hủy căn nhà cổ là tài sản mang ý nghĩa tinh thần đối với cả dòng họ “Đỗ”. Sau khi có đơn đề nghị của gia đình ông Đỗ Quang Hậu, UBND xã Hà Hồi đã lập biên bản và yêu cầu gia đình ông Hạnh dừng thi công.
Tuy nhiên, lợi dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, ngày 17/9/2021, gia đình ông Hạnh lại tiếp tục thuê người thi công rầm rộ bất chấp cả lệnh đình chỉ. Hiện nay, công trình đã xây dựng xong tầng 5 và đang đi vào hoàn thiện. Nhưng chính quyền huyện Thường Tín dường như chưa có động thái dứt khoát nào để ngăn chặn hay cưỡng chế, mặc cho gia đình ông Hậu đã gửi đơn kêu cứu rất nhiều lần…
Sau khi bài báo đăng tải, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã nhiều liên hệ với lãnh đạo huyện Thường Tín để làm rõ vụ việc, nhưng không nhận được câu trả lời.
|
|
Căn nhà đang được xây dựng cuối tháng 11/2021. |
Đáng chú ý, ngày 5/11/2021, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Công văn số 434/BDN về việc chuyển đơn đề nghị của ông Đỗ Quang Hậu đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để Báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội và để thực hiện việc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đến ngày 17/11/2021, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Công văn số 12414/VP-ĐT về việc làm rõ đơn tố cáo của ông Đỗ Quang Hậu. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã có ý kiến chỉ đạo Thanh tra thành phố và UBND huyện Thường Tín, xác minh, làm rõ để giải quyết vụ việc.
Chiều ngày 17/12/2021, đại diện một số đơn vị chức năng của huyện Thường Tín và ông Đỗ Quang Hậu đã có buổi làm việc để giải quyết đơn đề nghị liên quan đến thửa đất và khối tài sản nêu trên. Tại buổi làm việc này, một số ý kiến đã được nêu ra mang tính đùn đẩy trách nhiệm. Bởi thực tế các văn bản và quyết định qua các thời kỳ đã chỉ rõ quyền sở hữu của thửa đất và khối tài sản đó là của gia đình ông Hòa mà ông Hậu hiện nay được nhận ủy quyền.
Bất chấp lệnh tạm dừng thi công, nhưng ông Hạnh vẫn ngang nhiên xây dựng công trình hiện đang đi vào hoàn thiện, mà không có sự ngăn chặn kịp thời như một số ý kiến đại diện của đơn vị chức năng huyện Thường Tín đã nêu. Dư luận cho rằng đã có sự đùn đẩy trách nhiệm, xử lý không dứt điểm dẫn đến việc đơn thư tố cáo vượt cấp kéo dài nhiều thập kỷ?.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Xung quanh vụ việc này, Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng đưa ra một vài nhận định như sau:
1. Quy định về nhà đất vắng chủ ở Việt Nam được thể hiện khá sớm thông qua các văn bản như: Thông tư 73 –TTg năm 1962; Thông tư số 10 - TTg năm 1963; Quyết định số 111/CP năm 1977 của Chính phủ.
Tuy nhiên trong các văn bản, quyết định trên vấn đề nhà đất vắng chủ vẫn chưa được quy định rõ. Để khắc phục tình trạng này Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 201- BXD/TT ngày 23/06/1978 để hướng dẫn cụ thể việc quản lý nhà đất vắng chủ ở các tỉnh phía Nam. Cụ thể thông tư này quy định nhà đất vắng chủ là nhà đất từ khi giải phóng miền Nam, người đứng tên sở hữu không có mặt ở địa phương không có lý do chính đáng và cũng không đăng ký cư trú tại một nơi nào trên lãnh thổ nước Việt Nam… Năm 1974, UBND xã Hà Hồi giao nhà đất nêu trên cho mẹ ông Hạnh trông nom bảo quản là trái quy định pháp luật. Do vậy, UBND huyện Thường Tín đã chỉ đạo UBND xã Hà Hồi tiến hành các biện pháp thu hồi và yêu cầu gia đình ông Hạnh phải trả lại đất và nhà cho nhà ông Hòa.
2. Gia đình Hạnh tự ý phá hủy tài sản chiếm giữ trái phép để thuê người xây dựng công trình kiên cố mặc dù đã có Quyết định yêu cầu trả lại nhà đang ở và Biên bản yêu cầu dừng thi công của UBND xã Hà Hồi có thể cấu thành “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”? Theo Điều 178 – BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”…
3. Có hay không sự bao che của chính quyền địa phương đối với công trình trái pháp luật của gia đình ông Hạnh? Trong đó, Lãnh đạo UBND xã Hà Hồi thừa nhận tài sản là căn nhà và quyền sử dụng thửa đất theo các văn bản chứng minh là của gia đình ông Hòa mà vẫn đùn đẩy trách nhiệm, giữa các cơ quan quản lý nhà nước làm cho vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
4. UBND xã Hà Hồi phải có trách nhiệm thu hồi đất và khối tài sản như đã nêu để trả cho gia đình ông Hòa, một số ý kiến hướng dẫn ông Đỗ Quang Hậu khởi kiện vụ việc ra Tòa là chưa đúng quy định pháp luật…
Việc gia đình ông Hạnh cố tình chiếm giữ đất trái phép và hủy hoại khối tài sản, Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị cơ quan điều tra TP Hà Nội cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để đảm bảo tính nghiêm minh và sự thượng tôn pháp luật.
|