Hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối thủy, hải sản nằm ở trung tâm TP. Long Xuyên đang rất bức xúc vì bị chính quyền sở tại “ép” họ chuyển sang chợ mới hoàn toàn không hợp lý. Vì khu vực này đang nằm trong vùng sạt lở trên mức báo động.
Vì sao người dân phản đối việc di dời chợ?
Chợ đầu mối thủy, hải sản (Long Xuyên) là trung tâm kết nối, giao lưu buôn bán giữa đường bộ, đừng thủy và các vùng lân cận của khu vực miền tây Nam Bộ. Với bề dày lịch sử của mình, nơi đây không còn thuần túy là điểm kinh doanh, buôn bán mà chợ đầu mối thủy, hải sản được biết đến như một chứng nhân lịch sử, một địa điểm hội tụ văn hóa truyền thống vùng miền.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vấn đề mấu chốt khiến hàng trăm tiểu thương phản đối chính quyền sở tại là việc di dời chợ thủy, hải sản Long Xuyên về chợ đầu mối Bình Khánh (nơi có nguy cơ sạt lở trên mức báo động). Đặc biệt, khi xây dựng chợ mới không có chủ trương rõ ràng, không lấy ý kiến tiểu thương, để bàn về vấn đề di dời chợ cũ sang chợ mới, cho đến khi chợ đầu mối Bình Khánh đi vào hoạt động thì UBND TP Long Xuyên ra quyết định đóng cửa chợ đầu mối thủy, hải sản, đồng thời yêu cầu các tiểu thương phải di dời vào chợ mới.
|
Nhiều tiểu thương bức xúc trước việc đóng cửa chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên để di dời đến chợ đầu mối Bình Khánh. |
Việc xây dựng chợ đầu mối Bình Khánh lại không được thực hiện công khai, minh bạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, nhất là những người đang trực tiếp buôn bán tại chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên, không được cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về nội dung và tiến trình thực hiện dự án. Cho nên hầu hết các tiểu thương không nắm bắt được, hiểu được việc thực hiện dự án cũng như thiết kế của công trình chợ; phương án sắp xếp kinh doanh chợ mới ra làm sao…
Trên thực tế có nhiều chợ xây xong thì lập tức bị khách hàng và cả tiểu thương quay lưng vì không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của tiểu thương, do quy hoạch “trật đường tàu” là một trong những nguyên nhân thất bại vì mục tiêu phát triển xa rời thực tế. Sai lầm cũng đến từ việc tổ chức khảo sát chưa đầy đủ, không chú trọng đến tính mạng và tài sản của tiểu thương, vì khu vực chợ đầu mối Bình Khánh đang nằm trong khu vực báo động sạt lở nguy hiểm.
Ông Ngô Đăng Khoa, một tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên, bức xúc cho biết : “Từ lâu, chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên đã là một trong những biểu tượng nằm trong tiềm thức của người dân chúng tôi. Ở đây, bà con đang buôn bán bình thường, phát triển rất tốt tại sao phải đóng cửa để di dời?
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Ngày 13/11/2015, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có thông báo số 294/TB –VPUBND về việc “kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh tại cuộc họp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình di dời chợ cá tạm phường Mỹ Long” trong đó nêu rõ: Giao UBND TP Long Xuyên thông báo cho các tiểu thương được biết để lựa chọn vị trí kinh doanh. “Các tiểu thương có quyền lựa chọn địa điểm phù hợp với điều kiện kinh doanh và nhu cầu của mình” Tuy nhiên, thông báo, chỉ đạo của Văn phòng UBND tỉnh An Giang đã bị UBND TP Long Xuyên “phớt lờ” không áp dụng đối với các hộ tiểu thương.
Được biết, nếu đóng cửa chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, miếng cơm manh áo của mấy trăm hộ gia đình, vì địa điểm chợ mới có vị trí không thuận lợi, chợ xây dựng quá sâu so với trung tâm khu dân cư nên rất khó khăn cho việc kinh doanh, buôn bán” hơn nữa, đường vào chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh hẹp, xe tải trên 8 tấn vào xuất nhập hàng đi được 2/3 đoạn đường thì phát hiện biển cảnh báo “ chú ý khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài 400m”. Với điều kiện, vật chất không đảm bảo cho việc giao thương buôn bán tại chợ đầu mối Bình Khánh nên tiểu thương chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên đã nhiều lần làm đơn kêu cứu, khiếu nại yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết tâm tư nguyện vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả đơn thư khiếu nại của nhân dân, tiểu thương vẫn chỉ nằm yên trên giấy, chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào xem xét giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
|
Chợ đầu mối Bình Khánh nằm trong khu vực sạt lở nghiêm trọng. |
Việc chính quyền sở tại không thông qua ý kiến của dân và gần 100 hộ đang kinh doanh tại chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên (đặc biệt trước khi có quyết định di dời về kh chợ mới Bình Khánh, không có bất kỳ cuộc họp nào bàn về quyền lợi chính đáng của các hộ tiểu thương đang kinh doanh trên địa bàn…) là nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc và phản đối quyết liệt từ các hộ dân
Năm 1998, nhận định về những hạn chế trong dân chủ, Bộ Chính trị từng nêu: “Tuy nhiên, nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được cụ thể hoá và thể chế hoá thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống …”.Và, Chỉ thị số 30 – CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã ra đời. Đến năm 2010, Ban Bí thư cũng có Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30 nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này.
Đối với địa phương cấp cơ sở, Chính phủ đã có Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ban hành quy chế thực hiện dân chủ. Theo đó, với cách làm việc “tắc trách” của các cấp thuộc UBND TP Long Xuyên, đã không đảm bảo quyền lợi cho người dân mà ngược lại còn đẩy các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đầu mối thủy, hải sản Long Xuyên đến bên bờ vực phá sản.
Báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong những bài báo tiếp theo.
Đắc Nguyên
Theo Congluan.vn