Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
 


Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố là 2.095,5 km2, đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000-100.000 ha, trong đó khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000-50.000 ha.

Dân số khoảng 10 triệu người (không kể khách vãng lai và tạm trú dưới sáu tháng khoảng 2,5 triệu người); trong đó dân số đô thị là khoảng 9,5 triệu người và dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người. Theo đó, dân số khu vực nội thành khoảng 7,0-7,4 triệu người; dân số ngoại thành khoảng 2,6-3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).

Thành phố phát triển theo mô hình tập trung-đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và bốn cực phát triển.

Cụ thể, thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển, trong đó hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây-Bắc và hướng Tây-Tây Nam; không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi và Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thành phố Hồ Chí Minh quy định khu vực nội thành cũ bao gồm 13 quận: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận với tính chất, chức năng là Khu trung tâm thành phố (trung tâm chính trị, thương mại dịch vụ, tài chính, văn hóa, lịch sử).

Khu vực nội thành phát triển gồm 6 quận: quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân; trong đó quận 2 là Khu trung tâm thành phố mới, các quận còn lại là khu đô thị cải tạo nâng cấp và phát triển.

Khu vực ngoại thành bao gồm 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), trong đó phát triển hai khu đô thị mới quy mô lớn là khu đô thị Tây-Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn (có diện tích khoảng 6.000 ha) và Khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 3.900 ha.

Khu đô thị mới sẽ triển khai phát triển nhà ở theo dự án quy mô lớn, đảm bảo đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian ngầm. Ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án có quy mô lớn từ 500ha trở lên trong các khu đô thị mới.

Đối với nhà ở, đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17m2/người, năm 2020 là 20m2/người và đến năm 2025 phấn đấu đạt 22,4 m2/người.

Khu vực nội thành cũ tập trung cải tạo, nâng chất lượng; bảo tồn các khu nhà ở có giá trị lịch sử, văn hóa; xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ theo kinh tế thị trường có định hướng nhằm khuyến khích quá trình giảm mật độ dân số.

Đối với nhà ở nông thôn, định hướng phát triển nhà ở đồng bộ gắn với quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tập trung. Hoàn thiện các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà ở nông thôn cũng như các hướng dẫn thực hiện; bảo tồn tôn tạo kiến trúc nhà ở truyền thống; nghiên cứu phát triển các mẫu nhà ở mới phù hợp với điều kiện sản xuất, ứng phó được với thiên tai.

Bên cạnh đó, kiến trúc nhà ở phát triển theo xu hướng kiến trúc xanh, hài hòa với thiên nhiên, nhằm tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe con người, không làm giảm tính tiện nghi và thẩm mỹ nghệ thuật trong không gian sống của người đô thị.

Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng nhà ở, giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố và chấm dứt dạng nhà đơn sơ, tăng tỷ lệ nhà kiên cố lên 30% trong các loại nhà ở đô thị vào năm 2015, 40% vào năm 2020 và đến năm 2025 tỷ lệ nhà kiến cố đạt 50% trong tổng số quỹ nhà./.
 

Theo Vietnam+

.