Tính đến ngày 9-1-2017, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thưởng Tết 2017. Theo đó, gần 24 nghìn doanh nghiệp với 3,72 triệu lao động đã được báo cáo. Người được thưởng cao nhất là 1 tỷ đồng, thấp nhất chỉ… 30 nghìn đồng.
Theo đại diện Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo về tình hình thưởng Tết cho lao động.
Tết âm lịch thưởng thấp hơn 2016
Trong số 70% số doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng Tết dương lịch cho người lao động với mức bình quân là hơn 1,2 triệu đồng/người, tăng 6,2% so với năm 2016, năm 2016 là 1,18 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức cao nhất năm 2016 là hơn 2 tỷ đồng, cũng tại doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó mức thưởng Tết dương lịch thấp nhất chỉ là 30 nghìn đồng/người (tại doanh nghiệp FDI ở Thanh Hóa).
Theo đại diện Vụ Lao động tiền lương, đến nay đã có 83% số doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng Tết âm lịch cho người lao động. Mức thưởng bình quân năm nay, trung bình khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng/người), thấp hơn so với mức thưởng Tết 2016 (5,1 triệu đồng/người).
Người có mức thưởng cao nhất tại một doanh nghiệp dân doanh ở TP Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức cao nhất của năm 2016 là 624 triệu đồng. Mức thưởng Tết âm lịch thấp nhất là 50 nghìn đồng/người (tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Bến Tre và tại doanh nghiệp FDI tại các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương). Mức thấp nhất này gần tương đương với năm 2016 là 40 nghìn đồng/người.
Ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương cho biết: “Thưởng Tết âm lịch năm nay thấp hơn năm trước. Số cao nhất là 1 tỷ nhưng nó không phản ánh hết được thị trường lao động hiện nay, bởi trong số gần 24 nghìn doanh nghiệp báo cáo chỉ có 1 người được thưởng mức đó. Mức thấp nhất chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng chỉ có vài doanh nghiệp thực hiện mức thưởng này. Quan trọng là chúng ta nhìn vào mức thưởng bình quân thì thể hiện rõ thị trường lao động hơn”.
|
Người lao động trông chờ vào tiền thưởng Tết. |
Không để ai đói trong dịp Tết
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, ngày 3-1-2017, Chủ tịch nước đã có quyết định về việc tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách. Theo đó, hơn 2,6 triệu người thuộc đối tượng chính sách đã được xây dựng kế hoạch tặng quà với 2 mức: 400.000 đồng/suất và 200.000 đồng/suất. Tổng kinh phí dành để cho người có công, các đối tượng chính sách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay là hơn 431 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết, sau khi có quyết định của Chủ tịch nước, Cục Người có công đã xây dựng kế hoạch để các địa phương trao quà Tết cho người có công, các đối tượng chính sách kịp thời trên toàn quốc. Đến thời điểm này, các phương án chăm lo Tết cho người có công, các gia đình chính sách đã được Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cục Người có công cũng đã xây dựng kế hoạch để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đi tặng quà Tết cho người có công trong dịp Tết Nguyên đán 2017”.
Trong khi đó theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, kế hoạch tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, cứu đói trong dịp Tết 2017 cũng đã được xây dựng cụ thể với tiêu chí cao nhất là không để ai đói trong dịp Tết. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho hay, đến thời điểm này, đã có hơn 40 tỉnh xây dựng kế hoạch để tặng quà Tết, chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội và dự kiến huy động khoảng hơn 400 tỷ đồng để hỗ trợ quà và thăm hỏi.
Đề cập về tình hình đói và hỗ trợ gạo, ông Nguyễn Ngọc Toản cho biết thêm, đến thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH, Cục Bảo trợ xã hội đã nhận được văn bản của 15 tỉnh có đề nghị hỗ trợ 829 tấn gạo cho hơn 265 nghìn hộ gia đình với mức hỗ trợ 15kg gạo/hộ/tháng. Đây là các địa phương: Quảng Ngãi, Hà Nam, Cao Bằng, Bình Định, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai…
Theo Phan Hoạt/Công an nhân dân