Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hôm nay (30/12).

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Các chỉ số xếp hạng đều được cải thiện

Theo Phó Thủ tướng, năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 3,5 điểm và 10 bậc với 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện 1,2 điểm…

Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta còn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 5 hoặc thứ 6 trong ASEAN; đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự thảo Nghị quyết số 02 tiếp tục tập trung các mục tiêu đó là: Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh.

Cụ thể như, đối với vấn đề cấp phép xây dựng, Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày.

Nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt; hoàn thành trong quý III năm 2020.

Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Ngoài ra, cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh. Cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá. Hoàn thành trong quý I năm 2020.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng kiểm tra chuyên ngành

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo đó, đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn lưu thông hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai, dễ tiếp cận  danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng  và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Công bố công khai, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng trong quý I năm 2020 (kèm theo Bảng danh mục so sánh trước và sau khi cắt giảm).

Trong quý II năm 2020, hoàn thành sắp xếp bộ máy tổ chức ở các bộ liên quan theo hướng đối với mỗi mặt hàng chỉ có một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Nguyễn Anh