Từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, và năm 2015 là năm mà thị trường đạt đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2016 và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, như đã có hiện tượng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch về một số doanh nghiệp lớn; và đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp...
Từ thực tiễn đó, Hiệp hội và Bộ Xây dựng đã có cảnh báo và khuyến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, nên chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà cho thuê giá thấp; Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN chỉ sau 1 năm triển khai, để thay thế bằng Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 06/06/2016 nâng hệ rủi ro trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên mức 200%; và đặt ra lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản trong 2 năm. Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra kế hoạch từ nay đến trước năm 2020 sẽ xây dựng Luật Thuế đánh trên người sở hữu nhiều nhà ở nhằm mục đích ngăn ngừa đầu cơ nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội: “Nhìn tổng quát kể từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng mang tính tích cực. Nguồn thu ngân sách từ thị trường bất động sản gia tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, trong đó có tiền sử dụng đất”.
Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2016, cả nước đạt khoảng 14,57%, trong đó tăng trưởng tín dụng tiền đồng lên đến 15,81%; Dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1.374.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 16,6% cao nhất nước và có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 khoảng 19% (Nhưng với quy mô tăng trưởng tín dụng lớn trong năm nay cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu có thể xảy ra trong trung hạn và dài hạn cần được tiếp tục giám sát chặt chẽ); Tỷ lệ nợ xấu toàn thành phố hiện nay vào khoảng 3,79% (nếu loại trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, thì nợ xấu tín dụng của thành phố chỉ là 2,03%).
Trong đó, tín dụng vào thị trường bất động sản thành phố đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,6% tổng dư nợ tín dụng của thành phố và chiếm tỷ lệ 35,2% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước (426.000 tỷ đồng), đạt mức tăng trưởng 14,2% so với năm 2015 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bất động sản của cả nước, chỉ đạt 8,5%); nợ xấu bất động sản thành phố chỉ khoảng 2,6% (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bất động sản 3,93% của cả nước).
Đáng quan tâm là dư nợ vay tiêu dùng toàn thành phố (với lãi suất khoảng 10%/năm, được tín chấp, hoặc có tài sản bảo đảm) khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, trong đó đã có đến khoảng 38% (tương đương hơn 70.000 tỷ đồng) cho vay để xây nhà, sửa chữa nhà. Khoản vay này cũng cần được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích, vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư bất động sản; Tăng trưởng huy động tiết kiệm trong 11 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố đạt khoảng 13,78%, và có thể đạt mốc 16% cả năm, trong đó có 81% là nguồn vốn huy động ngắn hạn.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2017, thị trường bất động sản sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016; Dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng).
Ông Châu tin tưởng rẳng: “Sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị theo khuyến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM”.
Thu Thủy