Về mặt pháp lý không đúng về trình tự, thủ tục
Cụ thể, kết luận thanh tra về mặt pháp lý, dự án đã chuyển giao chủ đầu tư từ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Công ty cổ phần quốc tế C&T (Công ty C&T) sang Công ty cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc (Công ty Vĩnh Lộc).
Tuy nhiên, Thanh tra TP HCM cho rằng việc ký kết hợp đồng hợp tác năm 2007 giữa Sagri với Công ty C&T trước khi có chỉ đạo của UBND TP HCM là không đúng về trình tự, thủ tục và không đảm bảo tỉ lệ vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Điều này dẫn đến việc hợp đồng này không thể triển khai thực hiện, Sagri phải hoàn trả tiền tạm ứng giá trị lợi thế thương mại và 289,5 triệu đồng tiền lãi.
Về xác định giá trị lợi thế thương mại, việc hợp tác giữa Sagri và Công ty C&T trên cơ sở góp vốn bằng tiền (không phải góp vốn bằng quyền sử dụng đất) và phần diện tích 221/277 ha chưa được cấp giấy chứng nhận cho Sagri. Vì vậy, việc xác định giá trị lợi thế thương mại cũng không có cơ sở.
Ngoài ra, Công ty Vĩnh Lộc cũng chưa có quyết định công nhận chủ đầu tư. Do đó, công ty này không nộp hồ sơ sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan tại Sở TN&MT TP HCM. “Đến nay dự án vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch 1/2000 chậm, chưa chọn đơn vị tư vấn. Thiếu sót này thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh” – Kết luận thanh tra nêu.
Phía Sagri cũng chưa hoàn tất các thủ tục lập trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa lập dự án đầu tư trình duyệt theo quy định để được giao đất chính thức làm chủ đầu tư.
Mặt khác, từ khi Thành phố chỉ đạo Sagri và các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để hình thành pháp nhân mới với tỉ lệ góp vốn, Sagri có nhiều văn bản mời Công ty cổ phần Du lịch văn hóa Suối Tiên tham gia triển khai dự án nhưng công ty này không tham gia và cũng không phản hồi. Do vậy, đến nay dự án vẫn bị bỏ ngỏ về việc thành lập pháp nhân mới.
|
|
Dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc có diện tích 370 ha, đã treo hơn 20 năm qua. |
Chánh Thanh tra TP HCM đã kiến nghị và được ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM kết luận chỉ đạo với nhiều nội dung như sau:
Sau khi có kết quả phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000 Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xã hội hóa việc thực hiện dự án để trình Thành phố.
Thành phố giao UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có thiếu sót trong quản lý đất đai, trong xử lý các vi phạm về xây dựng, lấn chiếm đất tại khu đất dự án và việc chậm triển khai chọn đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch 1/2000.
Thành phố cũng giao Sở TN&MT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thiếu sót trong việc tham mưu ban hành Quyết định số 353/2011 chưa đầy đủ pháp lý về trình tự, thủ tục. Đồng thời, Sở tham mưu Thành phố xem xét, điều chỉnh hoặc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 353 này.
Ngoài ra, Thành phố giao Sagri thực hiện thoái vốn tại Công ty Vĩnh Lộc theo quy định. Các phát sinh tranh chấp (nếu có) với Công ty C&T, Công ty Vĩnh Lộc sẽ do tòa án giải quyết theo quy định.
Đồng thời, Sagri tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân của mình có các thiếu sót như đã nêu.
Hành trình hơn 20 năm của dự án sinh thái hồ Vĩnh Lộc
Những năm 1980, đất dự án là vùng đất hoang đồng bằng, nhiễm phèn. Năm 1996, UBND TP HCM ban hành quyết định giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM làm chủ đầu tư dự án cải tạo vùng trũng phèn Vĩnh Lộc nhằm xây dựng khu sinh thái văn hóa. Đến năm 1997 thì UBND TP HCM có quyết định thay đổi chủ đầu tư, giao Công ty đầu tư xây dựng Bình Chánh (huyện Bình Chánh) làm chủ đầu tư.
Đến năm 1999, Thủ tướng ban hành quyết định giao đất gần 370 ha cho Công ty đầu tư xây dựng Bình Chánh để đầu tư khu sinh thái văn hóa thuộc địa bàn 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh).
Tuy nhiên đến năm 2002, UBND thành phố lại tiếp tục thay đổi chủ đầu tư, chuyển giao cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2008, UBND thành phố có công văn chấp thuận chủ trương cho Sagri hợp tác với Công ty cổ phần quốc tế C&T và Văn phòng Thành ủy để đầu tư dự án.
Đến đầu năm 2011, UBND TP HCM ban hành quyết định 353 thu hồi dự án. Do có sự khác nhau giữa ranh lập thủ tục thu hồi đất theo quyết định của Thủ tướng (370 ha) với ranh quy hoạch chung theo quyết định của Thành phố năm 2012 (410 ha) phát sinh nhiều lúng túng trong việc thực hiện dự án.
Cho đến nay, dự án đã treo hơn 20 năm, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng rất khó khăn, đất đai bị lấn chiếm, vi phạm xây dựng./.