Tại sao dân phải đóng thuế để xây các công trình bỏ hoang?
Cập nhật lúc 11:59, Thứ hai, 03/11/2014 (GMT+7)
"Xây rồi đập, đập rồi xây... Có công trình xây rồi bỏ hoang. Nhiều dự án vay vốn ODA do Chính phủ bảo lãnh, nhưng không tính toán kỹ, gây lỗ, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, khiến Chính phủ phải bỏ tiền trả nợ. Từ đó khiến nợ công, nợ quốc gia gia tăng sát tới ngưỡng không an toàn...." - đó là một bất cập lớn mà ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp đã nêu ra tại nghị trường, trong phiên QH thảo luận về tái cấu trúc nền kinh tế. ( bỏ hoang, đóng thuế, công trình)
“Xây rồi đập, đập rồi xây... Có công trình xây rồi bỏ hoang. Nhiều dự án vay vốn ODA do Chính phủ bảo lãnh, nhưng không tính toán kỹ, gây lỗ, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, khiến Chính phủ phải bỏ tiền trả nợ. Từ đó khiến nợ công, nợ quốc gia gia tăng sát tới ngưỡng không an toàn....” - đó là một bất cập lớn mà ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp đã nêu ra tại nghị trường, trong phiên QH thảo luận về tái cấu trúc nền kinh tế.
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp đã tổng kết: Đầu tư xây dựng thì không theo quy hoạch, kế hoạch. Nếu có thì ở tầm ngắn hạn, không có tầm chiến lược dài hạn. Xây rồi đập, đập rồi xây. Có công trình xây xong sử dụng không hết công năng, không phát huy tác dụng. Có công trình xây rồi bỏ hoang.
Nhiều dự án vay vốn ODA do Chính phủ bảo lãnh, nhưng không tính toán kỹ, gây lỗ, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khiến Chính phủ phải bỏ tiền trả nợ. Từ đó khiến nợ công, nợ quốc gia gia tăng gần tới ngưỡng không an toàn. Từ đất Mũi, ĐBQH Trương Minh Hoàng minh họa điều mà ĐBQH Trần Hoàng Ngân gọi là “những khuyết tật” của đầu tư công. Đó là tình trạng “chỗ thì chưa có. Chỗ có thì không có người sử dụng”.
Gần 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cà Mau vẫn còn hai huyện Đầm Rơi và Ngọc Hiển đang sống trong cảnh “ngăn sông cách núi” chưa thậm chí có một con đường. 2 huyện, 25 vạn dân đỏ con mắt chờ đợi suốt 40 năm và trong mặc cảm bị bỏ rơi. Có lẽ người Ngọc Hiển không thể giải thích được tại sao họ phải đóng thuế để trả nợ cho những khu chợ, ngôi trường xây xong thì bỏ hoang. Có lẽ người Đầm Rơi không bao giờ tưởng tượng được những tòa trụ sở chọc trời hoành tráng, khi mà cuộc sống chưa bao giờ ngẩng mặt thoát nổi hai chữ khó khăn.
Đầu tư công bừa bãi phí phạm, từ tiền thuế - chẳng hạn của những người dân ở Ngọc Hiển, ở Đầm Rơi - đang làm nền kinh tế thâm hụt ngân sách trầm trọng, nợ công tăng cao chưa từng thấy.
Một con đường chậm 40 năm. Một sự chờ đợi 40 năm. Cho những con đường, tòa nhà ở nơi khác mọc lên. Nhưng còn chậm đến bao giờ việc vung tay quá trán?
Chúng ta có một điểm mừng lý thuyết. Nói như ĐBQH Nguyễn Trọng Trường là những nghị quyết, quyết định, chủ trương cắt giảm đầu tư công, tăng cường quản lý đầu tư vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ là rất đúng. Chẳng hạn quy định có tiền đến đâu sử dụng đến đó, khắc phục tình trạng đầu tư phê duyệt vượt khả năng vốn, trông chờ cấp trên, chờ nguồn vốn tiếp theo. Trường hợp dùng vốn cấp trên phải được cấp trên đồng ý…
Nói lý thuyết là ở chỗ phải có những cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm cho sự lãng phí dàn trải của những đại công trường dở dang, những công trình tiêu tốn trăm tỉ, ngàn tỉ đồng đang rêu phong ngoài cuộc sống.
Khi và chỉ khi những sai lầm, lãng phí - chưa nói đến tham nhũng - trong việc vung tiền công bị xử lý, thì họa chăng đồng tiền đầu tư công, mồ hôi của dân chúng, mới có thể được dùng đúng lúc, đúng chỗ và có hiệu quả.
Theo Lao động
.