Phạm vi tái cấu trúc tập trung vào 5 trụ cột: tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực; tổ chức lao động; tài chính; quản trị doanh nghiệp; hệ thống pháp luật.
Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong phiên chiều 8/6, liên quan đến đề án tái cấu trúc kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có những trả lời khá rõ ràng về nội dung Đề án tái cấu trúc Doanh nghiệp nhà nước – DNNN.
|
Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ |
Theo Bộ trưởng: Bộ Tài chính được giao thực hiện 2 đề án: Tái cấu trúc doanh nghệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn/tổng công ty và; Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các công ty bảo hiểm.
Đối với đề án tái cơ cấu TTCK và các công ty bảo hiểm Bộ đã trình Chính phủ rất sớm, đến tháng 3/2012 đã có báo cáo lại Chính phủ, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Đối với đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã trình Chính phủ từ tháng 11/2011, trình Bộ Chính trị vào tháng 12/2011 và trình lại Chính phủ vào tháng 3/2012. Chính phủ đã cho ý kiến vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, MOF trình kèm theo chương trình hành động, Chính phủ cho ý kiến vào ngày 10/05/2012.
Doanh nghiệp nhà nước được thành lập trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, số lượng giảm nhanh, đến năm 2005 số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 2.800 doanh nghiệp. Số DNNN thành lập mới trong vòng 10 năm qua là 128 doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực công ích.
Quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, các DNNN trọng tâm là Tổng công ty/tập đoàn đóng góp quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tiến trình đổi mới, sắp xếp DNNN còn chậm, còn những kết quả hạn chế.
Hiệu quả sản xuất, năng lực canh tranh còn thấp không tương xứng với nguồn lực được giao. 80% lợi nhuận của DNNN tập trung ở một số tập đoàn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel, Bưu Chính Viễn Thông….
Thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất cân đối tài chính.
Bốn, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị của tập đoàn/tổng công ty và nhiều doanh nghiệp còn bất cập và yếu kém.
Vì vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Về mục tiêu tái cơ cấu, trong đề án đã nêu 4 mục tiêu chính. Tuy nhiên có thể nói gọn mục tiêu là nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của DNNN; làm lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững của DNNN nhất là tổng công ty/tập đoàn.
Như vậy việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không phải chúng ta làm suy yếu DNNN , triệt tiêu DNNN, mà tái cấu trúc để làm cho DNNN mạnh lên.
Phạm vi tái cấu trúc tập trung vào 5 trụ cột: tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, chất lượng, kế hoạch và sản phẩm; tái cơ cấu về tổ chức lao động; tái cơ cấu tài chính; quản trị doanh nghiệp; hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp tái cấu trúc gồm:
Tập trung phát triển DNNN trong những lĩnh vực/ngành quan trọng, then chốt của nền kinh tế quốc dân đảm bảo cân đối kinh tế, ổn định vĩ mô, quốc phòng an nình. Với nhóm giải pháp này, Bộ Tài chính chia làm 4 nhóm doanh nghiệp: nhóm một giữ lại 100%; nhóm 2 giữ 75%; nhóm ba giữ khoảng 51% - 65%; nhóm bốn không cần thiết nắm giữ cổ phần.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu thu hút nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Đây có thể coi là trọng tâm giải pháp căn bản để tái cơ cấu DNNN.
Sắp xếp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.
Thực hiện triệt để phân định chức năng quản lý nhà nước và chức năng sở hữu./.
Theo VOV