Chiều 12/4, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua rà soát, hiện nay, các địa phương đang tồn tại 4 vướng mắc chung trong thực hiện dự án đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm: Thủ tục thực hiện dự án; quá trình thực hiện thủ tục đầu tư; vấn đề điện, năng lượng và hạ tầng; thẩm định an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Đối với các dự án ODA, tồn tại 2 vấn đề trọng tâm, đó là: Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2023; một số vướng mắc tại các dự án ODA trong Vùng, điển hình như Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa – giai đoạn 1 (Đồng Nai); Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn của tỉnh Bình Dương, vay vốn WB; Dự án thu gom và xử lý nước thải khu vực Long Sơn – Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vay vốn của Bỉ; một số dự án ODA trong Vùng mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021 – 2023 theo đề nghị của UBND tỉnh như: Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Phước, vay vốn ADB.
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, các địa phương trình bày thêm các khó khăn, vướng mắc thực tiễn đang gặp phải và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Bình Dương, Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, vay vốn WB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với kiến nghị của tỉnh và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn tất thủ tục với UBND tỉnh Bình Dương và đàm phán hiệp định vay vốn với WB.
Sau khi nghe 48 kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương tổng hợp các kiến nghị một cách ngắn gọn, chi tiết và cụ thể bằng văn bản để Tổ công tác tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Đối với những kiến nghị không thuộc phạm vi trách nhiệm của Tổ công tác, Văn phòng Chính phủ sẽ phân loại và gửi các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Đặc biệt lưu ý những vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai. Đây là cơ hội rất lớn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai vì Quốc hội đang triển khai lấy ý kiến sửa đổi Luật này. Đối với danh mục đề xuất, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu về mức độ cấp bách và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ theo thứ tự ưu tiên để sớm ban hành hướng dẫn cho địa phương.