Sợi gia cường trong xây dựng giúp hạn chế lượng cốt thép cần sử dụng, duy trì tốt cấu trúc của các công trình và có khả năng làm giảm khối lượng phải sửa chữa sau các cơn địa chấn.
 
 
Để bảo vệ an toàn cho cư dân, các tòa nhà được thiết kế có khả năng thay đổi và biến dạng mà không bị sụp đổ khi rung chuyển trong các trận động đất. Nhiều chủ sở hữu các tòa nhà và cư dân hy vọng sau những trận động đất mạnh, các tòa nhà vẫn có thể sử dụng mà không phải sửa chữa nhiều. Để đạt được mục tiêu này, các kỹ sư rất cẩn thận khi thiết kế từng chi tiết của các cấu trúc nằm trong vùng có nguy cơ động đất cao.
 
Tuy nhiên, để đảm bảo cho các cấu trúc có khả năng biến dạng như mong muốn, một số lượng lớn cốt thép gia cố cho các chi tiết đặc biệt được yêu cầu sử dụng. Trong những trường hợp nhất định, việc lắp ráp cốt thép gia cố không hề đơn giản và tốn nhiều thời gian, dẫn đến chi phí và thời gian xây dựng tăng cao.
 
Trước những thách thức về chi phí và thời gian một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Michigan và Đại học Wisconsin-Madison đã đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu này thông qua việc sử dụng sợi gia cường cho bê tông trong các công trình xây dựng chống động đất.
 
Sợi gia cường cho bê tông (FRC) là những sợi ngắn được trộn đều với vật liệu. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng những sợi thép độ bền cao có độ dài 3cm, đường kính 0,5 mm trộn vào bê tông tươi trước khi đổ vào khuôn. Những sợi thép ngắn rải đều một cách ngẫu nhiên trên toàn bộ hỗn hợp. Những sợi thép này đóng vai trò kết nối bê tông với nhau, giảm nứt gãy.
 
Nhóm nghiên cứu tập trung vào việc sử dụng các FRC trong các bức tường và dầm ghép (khớp nối bê tông được các kỹ sư sử dụng để liên kết các bức tường liền kề nhau, tăng độ cứng cho cấu trúc). Những bức tường riêng lẻ hay tường đôi cũng thường được xây dựng trong các tòa nhà trung hoặc cao tầng ở những có nguy cơ động đất cao. Xây dựng hệ thống tường đôi có thể gặp khó khăn vì nhu cầu về lượng thép gia cố lớn.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi các bức tường và dầm thép được xây dựng với sợi gia cường bê tông, có thể làm giảm đáng kể lượng cốt thép và dầm ghép mà không ảnh hưởng đến hoạt động.
 
Do đó, có thể nói việc sử dụng FRC trong xây dựng sẽ giúp tiết kiệm lượng cốt thép cần dùng, duy trì cấu trúc ổn định cho công trình và giảm khối lượng sửa chữa sau động đất.
 
Theo Báo Xây Dựng
.