Thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang đồng loạt cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu 2016. Song, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên khiến việc xuống giống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn.


Hiện nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch được 112.485 ha lúa đông xuân, vụ lúa này dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 4/2016.

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu 2016, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 187.000ha. Những ngày qua, một số địa phương trong tỉnh đã xuống giống sớm vụ hè thu 2016 với tổng diện tích khoảng 74.597ha, tập trung tại các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tân Hồng. Hiện, lúa đang trong giai đoạn mạ chiếm 41.238ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh khoảng 32.563ha.

Không như các vụ lúa khác, vụ hè thu 2016 dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đưa ra lịch xuống giống chung của cả tỉnh, chia ra làm 3 đợt: đợt 1 từ ngày 29/1 – 5/2; đợt 2, từ ngày 1 - 7/3; đợt 3, từ ngày 2 - 8/4. Bà Lê Thị Hà – Phó phòng Bảo vệ thực vật (BVTV), Chi cục BVTV cho biết: “Đây là lịch xuống giống chung với mục đích né rầy, song các địa phương cần cụ thể hóa cho phù hợp với từng khu vực. Vụ lúa hè thu 2016, nhiều diện tích không đảm bảo thời gian cách li giữa vụ khiến lúa có nguy cơ ảnh hưởng dịch bệnh”.

Theo Chi cục BVTV, khi xuống giống nông dân cần tuân thủ nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa. Việc xây dựng cơ cấu giống lúa cần đảm bảo theo hướng cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện mùa vụ. Song song đó, nông dân nên chọn các giống lúa chủ lực, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về lịch thời vụ, bà con nông dân cần kéo dài thời gian giữa cải tạo đất với gieo sạ ít nhất 20 ngày để lúa trong quá trình sinh trưởng không bị ngộ độc hữu cơ; phải chú trọng khâu làm đất ngay từ đầu vụ; thăm đồng thường xuyên vì vụ lúa này bị ảnh hưởng nhiều từ các đợt nắng nóng, đặc biệt là sự xuất hiện của rầy cánh trắng, đạo ôn, sâu cuốn lá; đồng thời lúa cũng bị đe dọa bởi bệnh cháy bìa lá. Mặt khác, nông dân cần chú trọng việc hoai mục rơm rạ để tránh bị ảnh hưởng của ngộ độc phèn.

Bà Trần Thị Hà cho biết thêm:  “Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa hè thu; nắm chặt diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh. Mặt khác, trong quá trình canh tác, khi có sự xuất hiện của rầy nâu với mật số trên 3.000 rầy nở rộ tuổi từ 1 – 3 nông dân mới can thiệp thuốc BVTV”.

Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, áp dụng công nghệ sản xuất nhằm giảm giá thành và bảo vệ môi trường.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.