(BVPL) - Theo dự báo, đến năm 2020 cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1 vạn căn/năm. Tính trung bình tại các khu công  nghiệp mới chỉ có khoảng 20% số người lao động có nhà ổn định. Dự báo đến năm 2020 sẽ cần khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở cho khoảng 4,2 triệu người. Mặc dù biết rõ là nếu đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội thì không bao giờ lo bị ế, thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tỏ ra hững hờ với kênh đầu tư này.

 


Cung không đủ cầu

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì năm 2011, cả nước có 1,6 triệu công nhân lao động thì có đến 90% phải đi thuê nhà. Những tỉnh có công nhân lao động tập trung nhiều thì tỷ lệ phải thuê nhà dân tự xây rất lớn như: Bình Dương (85,5%), Đồng Nai (trên 50%), Quảng Ninh (64,4%)... Chất lượng nhà thuê do người dân tự xây rất thấp, chật hẹp, mật độ xây dựng dày, không đảm bảo an sinh xã hội, điều kiện sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động. Đa số chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến chỗ ở cho người lao động.

Tại Hải Phòng, Sở Xây dựng cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố Hải Phòng mới xây dựng xong được 764/9.882 căn hộ thuộc phân khúc nhà ở xã hội, đạt tỷ lệ 7,7%. Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, năm 2008, toàn tỉnh được phê duyệt 91 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, tuy nhiên sau 7 năm triển khai dự án, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 23 dự án hoàn thành.

Không chỉ ở Hải Phòng, Đồng Nai mà thực trạng này còn diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, trên địa bàn TP có khoảng 150.000 cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan chuyên nghiệp, trong đó, có 20% (khoảng 30.000 người) có nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea), nguồn cung thị trường nhà ở hiện tại chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư có thu nhập khá trở lên. Còn nhà ở xã hội, nhà ở bình dân dành cho người có thu nhập thấp đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu của đại bộ phận người dân. Theo đó, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm khoảng 34% tổng số lượng nhà ở thương mại. Vì vậy, tình trạng mất cân đối cung - cầu đối với thị trường nhà ở xã hội vẫn diễn ra.

Mặc dù nhu cầu của người thu nhập thấp về nhà ở là rất lớn, song với những diễn biến trên thị trường nhà ở hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản hầu như không quan tâm đến phân khúc nhà ở này, thay vào đó là phân khúc nhà ở giá 2 – 3 tỷ đồng/căn mới là phân khúc chiếm ưu thế hiện nay.

Nhiều chế tài bất cập

Thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng phần lớn doanh nghiệp lại không mặn mà vì vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn rất chậm, lợi nhuận lại thấp.

Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép hưởng 10% lợi nhuận. Đây là mức rất thấp so với lợi nhuận kì vọng của các dự án bất động sản khác. Một trong số những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội là dự án của mình, “con đẻ” của mình nhưng lại không được tự quyết định giá bán, giá thuê nhà mà phải theo mức trần mà địa phương quy định khiến doanh nghiệp khó chủ động được chiến lược đầu tư.

Bên cạnh đó, hai yếu tố cực kì quan trọng cần giải quyết đó là vốn và quỹ đất. Hiện nay, vốn để phát triển nhà ở trên cả nước vẫn chủ yếu lấy từ ngân sách. Nhưng thực tế, tiền ngân sách dành phát triển cho người nghèo rất hạn chế, không ổn định. Về quỹ đất, dù có quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại rộng hơn 10 ha phải dành 20% làm nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư chỉ làm đến 80% dự án ở phần thương mại, mang lại lợi nhuận kinh doanh tốt, còn phần làm nhà ở xã hội thì tìm mọi cách trì hoãn thực hiện.

Điều 53 của Luật Nhà ở 2014 quy định hình thức huy động vốn phát triển nhà ở xã hội là vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng đầu tư phát triển... Tuy nhiên, Luật lại không quy định cụ thể số lượng vốn ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương dành ra mỗi năm cho phát triển nhà ở xã hội. Do vậy, nguồn vốn này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào phân bổ của Trung ương và địa phương, gây thiếu ổn định.

Để giải quyết được những vướng mắc còn tồn đọng của thị trường nhà ở thu nhập thấp, nhiều chuyên gia cho rằng nên nghiên cứu trích % GDP cho việc phát triển nhà ở, trong đó, có nhà ở cho người nghèo, đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp căn cơ. Ví dụ như để tăng nguồn cung dự án nhà ở xã hội thì có thể chuyển các dự án nhà ở bị xử lý xóa “treo” thành dự án nhà ở xã hội. Như vậy, vừa xóa được treo lại vừa sử dụng được quỹ đất dư mới hợp lý.

Bên cạnh đó, để tăng nhanh nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng cần có sự thay đổi về phương thức đầu tư nhà ở xã hội hiện nay, ví dụ như có thể áp dụng theo cơ chế thị trường. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ các ưu đãi cho chủ đầu tư hiện nay mà chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà. Và doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng giống như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ từ 20 – 50% tùy theo từng dự án để xây nhà ở giá rẻ. Có như vậy thì doanh nghiệp mới mặn mà với các dự án nhà ở xã hội và người nghèo mới có cơ hội sở hữu nhà giá thấp.
 

Hữu Bắc

.