(BVPL) - Bộ luật Lao động nêu rõ:“Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.” Đây là căn cứ điều chỉnh tăng lương tối thiểu hàng năm. Lương tối thiểu sẽ “nóng” trở lại khi mà cuối tháng 7/2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để quyết định mức tăng lương tối thiểu của năm 2017.

 


Qua khảo sát của TLĐLĐ Việt Nam thì thu nhập của người lao động hiện nay hết sức khó khăn. Trong đó, có 20% người lao động thu nhập không đủ sống và chỉ có 8% người lao động làm việc có tích lũy, số còn lại phải sống chật vật với mức thu nhập của mình. Mặc dù ​thừa nhận việc tăng lương hàng năm có phần gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ông Lê Đình Quảng cho biết, hiện nay, đời sống của người lao động đang gặp quá nhiều khó khăn. Mức lương hiện nay mới đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động, như vậy còn 20% nữa. Chúng tôi muốn có một lộ trình mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

 Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân cho rằng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng ở mức thấp. Trong khi đó, phía người lao động và đại diện người lao động đề xuất tăng mức cao. Việc dừng tăng lương là khó nhưng mức tăng như thế nào thì phải cân nhắc, tính toán kỹ. Tôi nghĩ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016 (năm 2016 là 12,4%). Theo ông Huân, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 8% đến 10% là một phương án.

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, hiện nay lương tối thiểu đã bằng 70% thu nhập bình quân của toàn bộ khu vực làm công ăn lương (khoảng 5,08 triệu đồng trong quý 1/2016). Trong khi đó, Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định lương tối thiểu vùng dùng làm căn cứ để xây dựng mức lương khởi điểm đối với công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Điều này đang gây sức ép tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lương phải tăng chậm hơn năng suất lao động

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp tồn tại, phát triển và mở rộng sản xuất, thu hút việc làm, từ đó có điều kiện để nâng cao đời sống của người lao động. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần phải xác định lại định nghĩa và cách tính nhu cầu sống tối thiểu để từ đó đưa ra được mức lương tối thiểu hợp lý.  

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay do các bên trong Hội đồng tiền lương áp dụng các bộ tính khác nhau nên dẫn đến mâu thuẫn. Trong khi đó, vấn đề tiền lương tối thiểu cần phải quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tăng tiền lương phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động và trong nguyên tắc, bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc công bố nhu cầu sống tối thiểu phải do một cơ quan Nhà nước thực hiện, mà trách nhiệm này phải thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xác định căn cứ vào nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở, nước, điện sinh hoạt…

 Giải thích về vấn đề xác định tiền lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, trong chương trình làm việc của Quốc hội có việc xây dựng Luật tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, khi chưa xây dựng được luật này thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ tính tới việc sửa đổi, bổ sung một số điều về tiền lương tối thiểu cho rõ hơn trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Lao động vào năm 2017.

 Cuối tháng 7/2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ nhất. Trong tháng 7 hoặc chậm nhất là tháng 8 sẽ chốt phương án tăng lương. Theo ông Phạm Minh Huân, cuộc họp tới đây, việc tăng lương sẽ được xác định dựa trên các yếu tố như nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng tiền công trên thị trường.

Song, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đang nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu hơn do trước đó mức tiền lương còn thấp.

Nhìn lại thời gian vừa qua thấy rằng, tốc độ tăng lương tối thiểu là rất lớn. Do đó, lần thương lượng lương tối thiểu vùng năm 2017 này sẽ phải tính toán hết các yếu tố, thậm chí, xem xét cả mối tương quan với các khu vực để tạo ra sự cạnh tranh quốc gia và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
 

Trần Mai 

.