Lo ngại "bội thực" nguồn cung bất động sản thời gian tới
Cập nhật lúc 22:08, Thứ hai, 13/06/2016 (GMT+7)
Năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) trở nên sôi động hơn với nhiều dự án "khủng". Trong khi đó, nhu cầu mua nhà không tăng lên nhiều, đặc biệt là ở phân khúc trung và cao cấp. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại mất cân bằng quan hệ cung – cầu dẫn đến dư thừa các căn hộ chung cư. (mất cân bằng, thị trường, bất động sản, nguồn cung)
Năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) trở nên sôi động hơn với nhiều dự án “khủng”. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà không tăng lên nhiều, đặc biệt là ở phân khúc trung và cao cấp. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại mất cân bằng quan hệ cung – cầu dẫn đến dư thừa các căn hộ chung cư.
Từ đầu năm 2016, một số dự án cao cấp tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện đã thu hút sự quan tâm của khách hàng. Những dự án sắp mở bán như Park Hill Times City với khoảng trên 4.000 căn hộ; dự án trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Goldmark City với 5.000 căn hộ; hay 1.600 căn hộ ở Imperia Garden, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân. Ngoài ra, còn có các dự án khác như FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy, Vinhomes Gardenia, HD Mon City, Hà Nội Landmark 51…
Bên cạnh đó, một số dự án mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết sẽ tiếp tục cung cấp thêm hàng nghìn căn hộ cao cấp mới trong tương lai. Chẳng hạn như dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 trên đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Dự án có diện tích gần 14ha, với thiết kế phục vụ cho khoảng 10.000 người dân.
|
Nhiều dự án đang chuẩn bị tung thêm hàng nghìn căn hộ ra thị trường khiến nguồn cung trở nên dư thừa, trong khi áp lực giao thông ngày một tăng cao. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Hay dự án Nam Vành đai 3 (còn gọi là The Manor Central Park) do Bitexco là chủ đầu tư. Dự án với với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ USD đã được TP chấp nhận chủ trương đầu tư. Dự án được quy hoạch có diện tích 90ha với hơn 7.000 căn hộ cùng 1.000 căn nhà thấp tầng.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nguồn cung căn hộ trong những năm sắp tới có xu hướng tăng cao, dễ dẫn đến dư thừa nguồn cung như những năm trước, đặc biệt là nguồn cung căn hộ ở phân khúc trung và cao cấp.
Ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát cho biết, phân khúc trung và cao cấp thường có giá khá cao so với thu nhập thực tế của người dân. Trong khi những chính sách ưu đãi, cho vay lại không hỗ trợ người dân tại phân khúc này. Do đó, lượng khách tìm mua sẽ hạn chế hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ dư thừa nguồn cung BĐS phân khúc trung và cao cấp.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của đại bộ phận người dân vẫn còn nhưng lại ở phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình. Phân khúc có giá bán phù hợp với thu nhập của người dân cũng như nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Chính sự mất cân bằng này đã khiến cho thị trường BĐS từng bị chững lại một thời gian dài trước đây.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng giao thông của các TP lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Minh chứng là tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo ông Sơn, việc các DN tập trung và đẩy mạnh phân khúc trung và cao cấp chưa thực sự hợp lý trong thời điểm này, thời điểm mà lượng căn hộ tồn kho trên thị trường vẫn còn khá nhiều. Phần lớn các khu đô thị mới chỉ quy hoạch phần diện tích trong khu vực của mình chứ chưa góp phần vào quy hoạch chung về hạ tầng giao thông của TP.
“Tôi nghĩ chúng ta cần cân nhắc thêm trách nhiệm của các chủ đầu tư khu đô thị đối với quy hoạch chung về hạ tầng giao thông của TP để vừa đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người dân, vừa tránh quá tải giao thông”, ông Sơn cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Giang, giảng viên trường ĐH Thương mại cũng cho rằng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chậm lại sau 5 tháng đầu năm 2016. Điều này đã tác động xấu đến sự phát triển chung của thị trường BĐS, lượng giao dịch giảm đi đáng kể. Một phần nguyên nhân là do nguồn cung đang được dịch chuyển sang phân khúc BĐS cao cấp, trong khi nhu cầu của thị trường chủ yếu là các căn hộ có diện tích trung bình (khoảng 1-2 phòng ngủ) với giá bán phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân.
Như vậy, thị trường BĐS đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó có nguy cơ “bội thực” nguồn cung, điều mà vài năm trước đây đã từng xảy ra. Điều này sẽ có tác động xấu lên thị trường BĐS cũng như gia tăng áp lực về giao thông cho người dân.
Gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng được nới thêm thời gian giải ngân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ chỉ còn là 4,8%/năm (tương đương 0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.
Trước đó, Nghị định 100/2015 quy định: Đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các DN trong và ngoài khu công nghiệp.
Ngoài ra, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CA nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức cũng thuộc diện được vay nguồn vốn này.
|
Theo PL&XH
.